Thi công hạng mục cầu thuộc Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh |
Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh là hơn 15.700 tỷ đồng, trong đó đã phân khai chi tiết gần 15.100 tỷ đồng. Với mức giải ngân hiện tại, tỉnh đã đạt 28,4% kế hoạch đã phân khai chi tiết, đạt 31% so với kế hoạch giao đầu năm, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (35%) và cùng kỳ năm 2022 (36%).
Ngoài nguồn vốn Trung ương đạt cao hơn so với cùng kỳ, thì nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đều thấp. Hiện tỷ lệ giải ngân vốn cấp tỉnh mới đạt 21% kế hoạch đã phân khai; cấp huyện mới đạt 30,5% kế hoạch phân khai.
Đến nay có 5 chủ đầu tư tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh, gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (57,5%); Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (56,1%); Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (38,3%); Ban Quản lý trồng rừng Việt Đức (32,4%); Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 (32,9%).
Có 4 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình, bao gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (26,1%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (27,8%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (15,5%); Công an tỉnh (9,5%).
Đối với vốn ngân sách cấp huyện, có 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh, gồm Hạ Long (37,8%), Quảng Yên (31,4%), Móng Cái (31,02%), Ba Chẽ (30,5%).
9 địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân của tỉnh, gồm Đầm Hà (19%), Hải Hà (13,9%), Đông Triều (15,7%), Uông Bí (23%), Cẩm Phả (20,5%), Vân Đồn (27,6%), Cô Tô (24,9%), Bình Liêu (24,6%), Tiên Yên (21,2%).
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được lý giải là do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp; giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao làm tăng chi phí cho doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đầu tư xây dựng; vướng mắc giữa các chủ đầu tư với sở, ngành, địa phương trong xử lý tài sản công; triển khai các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; rà soát, báo cáo cụ thể về UBND tỉnh khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương năm 2023, từ đó điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân. Đặc biệt phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh đạt 93,9%, cao nhất trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, cùng với nhiều địa phương trong nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2023 đến nay của Quảng Ninh vẫn đạt thấp, thậm chí thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Để giải ngân hiệu quả nguồn vốn này trong năm 2023, không thấp hơn năm 2022, thì các sở, ban, ngành, địa phương sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.