Góc nhìn: NHNN chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá

TỶ GIÁ NGÂN HÀNG
06:10 - 28/09/2023
Ảnh minh họa: Trụ sở NHNN Việt Nam. Ảnh: Mekong ASEAN
Ảnh minh họa: Trụ sở NHNN Việt Nam. Ảnh: Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Liên quan đến thông tin mới khi NHNN phát hành tín phiếu để giảm thanh khoản và tỷ giá, chuyên gia ADB đánh giá, đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.

Chia sẻ xung quanh vấn đề tỷ giá tại họp báo sáng 27/9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước.

Vì thế, NHNN chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá, ông Hùng nhận định.

Nhìn từ góc độ thị trường, trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung cầu ngoại tệ. Người dân thường có tâm lý giữ tiền USD thay vì VND khi lãi suất thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên, tuy nhiên, xuất khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn, ông Hùng nhận định.

Liên quan đến thông tin mới khi NHNN phát hành tín phiếu để giảm thanh khoản và tỷ giá, chuyên gia ADB đánh giá, đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.

Việc hút tiền qua kênh tín phiếu sẽ giảm bớt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giúp lãi suất liên ngân hàng nhích tăng để giảm bớt chênh lệch lãi suất, qua đó giảm bớt áp lực lên tỷ giá, theo đó, tỷ giá cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB. Ảnh: Mekong ASEAN.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB. Ảnh: Mekong ASEAN.

Theo ghi nhận của Mekong ASEAN, ngày 27/9, NHNN lại tiếp tục hút thêm 20.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 0,65%/năm. Ngày đáo hạn của lô tín phiếu trên là 25/10/2023. Như vậy, trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, NHNN đã hút gần 70.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu.

Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu hôm 27/9 đã cao hơn so với những phiên trước đó. Đồng thời, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia đấu thầu là 12, số lượng trúng thầu là 9. Đây là những dấu hiệu cho thấy mức độ dư thừa thanh khoản đã hạ bớt.

Kịch bản điều hành của NHNN

Trước đó, nhận định về động thái hút tiền thông qua phát hành tín phiếu của NHNN trong thời gian gần đây, ông Huỳnh Minh Tuấn - Tổng Giám đốc FIDT Research đánh giá, trong ngắn hạn NHNN sẽ đồng thời cả hai nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các ngân hàng, mặt khác tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông. Lượng hút vào là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng.

"Hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế", ông Huỳnh Minh Tuấn dự báo.

Trong bài toán tìm điểm cân bằng, đánh đổi lãi suất - áp lực tỷ giá, chiến thuật của NHNN là hút thanh khoản quá dư thừa trong hệ thống ngân hàng, làm giảm tối đa động cơ đầu cơ tỷ giá trong những thời điểm áp lực nhất.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Tổng Giám đốc FIDT Research

FIDT cho rằng NHNN sẽ tiếp tục hút thanh khoản đến khi chạm mục tiêu về tỷ giá hoặc chạm giới hạn về ưu tiên nền thanh khoản hỗ trợ kinh tế. Trong đó, chuyên gia dự đoán, có thể rơi vào hai kịch bản nhằm kéo lãi suất rất ngắn hạn dưới 3 tháng cao lên, thu hẹp chênh lệch lãi suất với USD, nhưng không ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi – cho vay cho hoạt động kinh tế.

Ở kịch bản đầu tiên, NHNN hút 70.000 – 100.000 tỷ đồng, trung bình 10.000 tỷ/ngày, kéo dài trong 2 tuần, thanh khoản dư thừa dự kiến rơi vào vùng dự trữ bắt buộc hệ thống 40.000 - 70.000 tỷ đồng dư thừa.

Ở kịch bản thứ hai, mức hút thanh khoản dự kiến tiệm cận 130.000 - 140.000 tỷ đồng với tốc độ nhanh hơn, khi áp lực ngoại hối trong ngắn hạn tăng mạnh. Có thể NHNN sẽ kết hợp vừa tăng tốc độ hút vừa tăng kỳ hạn hút để hiệu quả phòng ngừa tỷ giá, nhưng xác suất kịch bản này không cao.

Bên cạnh đó, cũng có thể NHNN sẽ điều chỉnh mức độ hút thanh khoản tăng lên 20.000 tỷ đồng/ngày, kỳ hạn 2 tháng trở lên, thay vì 1 tháng hiện tại.

Nhìn chung, FIDT nhận định, mục tiêu chính của NHNN vẫn là nền thanh khoản dư thừa và linh động theo tổng thể cân bằng tiền tệ chung. Hành động hút VND trên OMO là hành động 2 chiều, hút ngắn hạn và sẽ trả trong tương lai.

Đọc tiếp