Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) và tiềm năng tại Việt Nam

TÀI CHÍNH Việt nAM
15:08 - 23/10/2021
Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) và tiềm năng tại Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Sự phát triển của Fintech trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian qua đã cung cấp các hình thức huy động vốn mới cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Báo cáo Fintech Ngân hàng số tháng 10/2021 vừa được công bố bởi Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng thương mại, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của Fintech trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng trong thời gian qua đã cung cấp các hình thức huy động vốn mới cho các SME. Một trong số đó là crowdfunding - hình thức “gọi vốn cộng đồng”.

Crowdfunding là gì?

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), crowdfunding là một cách thức tăng vốn cho các doanh nghiệp và các tổ chức thông qua mạng Internet dưới hình thức kêu gọi gây quỹ hoặc đầu tư từ các cá nhân trong nền kinh tế. Hiểu một cách đơn giản nhất, crowdfunding là hình thức kết nối người tài trợ cho một doanh nghiệp, một dự án với nhu cầu về vốn thông qua các nền tảng trực tuyến.

Có ba yếu tố quan trọng tạo nên crowdfunding: lượng vốn nhỏ, huy động vốn từ nhiều cá nhân hoặc tổ chức, dựa trên nền tảng công nghệ số.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Có thể phân loại crowdfunding thành 4 nhóm chính, theo phân loại của hai tác giả Eleanor Kirby và Shane Worner (2014).

Một là hình thức gây quỹ từ thiện, theo đó tổ chức hoặc cá nhân vận động quyên góp giúp đỡ vùng thiên tai, người có hoàn cảnh đặc biệt…, người tài trợ không nhận được lợi nhuận.

Hai là hình thức gọi vốn thông qua bán cổ phần, theo đó công ty gọi vốn sẽ đưa ra số vốn cần và số cổ phần tương ứng, nhà đầu tư đồng ý bỏ vốn sẽ nắm cổ phần của công ty khởi nghiệp.

Ba là gọi vốn bằng cách vay nợ, tức hình thức cho phép người cho vay kết nối trực tiếp với người gọi vốn thông qua nền tảng công nghệ.

Cuối cùng là gọi vốn cộng đồng trên cơ sở quà tặng. Cá nhân cần huy động vốn hay các doanh nghiệp nhỏ (đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp) sẽ đưa dự án mình lên sàn, kêu gọi hỗ trợ vốn từ các cá nhân. Khi dự án hoàn thành, nhà tài trợ sẽ nhận được các món quà theo cam kết.

Hình thức crowdfunding không chỉ giúp người đi vay, các doanh nghiệp SME tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, dễ dàng hơn so với các sản phẩm cho vay truyền thống, mà còn mang lại cho nhà đầu tư có vốn một mức lợi tức cao so với gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư được tự lựa chọn các dự án để tài trợ dựa trên thông tin các dự án cung cấp. Nền tảng trực tuyến hoạt động liên tục, không phân biệt không gian và khoảng cách địa lý, ít giấy tờ tài liệu và cho phép quá trình vay và hoàn trả diễn ra nhanh chóng, mang lại sự tiện lợi cho nhà tài trợ và người gọi vốn.

Bên cạnh những ưu thế nổi bật là tính rủi ro lớn, đặc biệt là rủi ro mất vốn. Tài trợ thông qua crowdfunding, mức độ rủi ro mất vốn sẽ cao hơn nhiều so với quy trình chặt chẽ của ngân hàng do các nhà tài trợ thông qua nền tảng crowdfunding không nắm giữ bất kỳ tài sản nào của người gọi vốn.

Giá trị thị trường crowdfunding toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 114 tỷ USD trong năm nay, theo hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức). Trong đó, Trung Quốc là thị trường crowdfunding tiềm năng bậc nhất toàn cầu với mức huy động bình quân lên đến 1,3 triệu USD mỗi chiến dịch và tốc độ tăng trưởng giá trị thị trường ước đạt 16% trong năm nay.

Tại khu vực Đông Nam Á, trung bình mỗi chiến dịch crowdfunding có thể huy động khoảng 122.000 USD, theo thống kê của Fintech Strategist.

Tiềm năng thị trường crowdfunding Việt Nam

Báo cáo Fintech Ngân hàng số của MBBank chỉ ra rằng các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục lạc quan về tiềm năng của Fintech tại Việt Nam trong những năm tới khi bơm hàng triệu USD vào các công ty Fintech khởi nghiệp trong nước.

Năm 2019, Việt Nam đứng thứ hai trong khối ASEAN về tài trợ cho Fintech, thu hút 36% tổng vốn đầu tư vào Fintech của khu vực. Quan điểm lạc quan tiếp tục duy trì khi Việt Nam trải qua thời kỳ bùng nổ về thanh toán kỹ thuật số và hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh dịch COVID-19 tạo động lực mạnh mẽ cho chuyển đổi số.

Theo báo cáo của MBBank, tính đến năm 2020, có tổng cộng 115 công ty Fintech tại Việt Nam. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong 5 lĩnh vực Fintech hàng đầu là thanh toán, cho vay ngang hàng, Blockchain, POS, quản lý tài sản (chiếm 76%). Trong đó, chỉ có 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực crowdfunding, chiếm 4,5%.

Điều này phản ánh mức độ phát triển của thị trường crowdfunding ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên, ở dưới mức tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển.

Số dự án crowdfunding chỉ chiếm 4,5% trong tổng 115 dự án Fintech tại Việt Nam tính đến năm 2020 (Ảnh: MBBank)

Số dự án crowdfunding chỉ chiếm 4,5% trong tổng 115 dự án Fintech tại Việt Nam tính đến năm 2020 (Ảnh: MBBank)

Một trong những nền tảng crowdfunding nổi bật tại Việt Nam có thể kể đến FundingVN. FundingVN được thành lập dưới sự bảo trợ Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp thuộc Hội Liên Hiệp Thanh niên TP.HCM với mục tiêu trở thành nền tảng huy động vốn khởi nghiệp lớn nhất, uy tín nhất và được ủng hộ mạnh nhất tại Việt Nam trong 2 năm tiếp theo và tại châu Á trong 5 năm tiếp theo.

Một ví dụ nữa là Betado, nền tảng crowdfunding được thành lập từ năm 2015, tiền thân là dự án gây quỹ cộng đồng cho hai tập đầu tiên của cuốn sách “Truyền thuyết Long Thần Tướng”. Đặc điểm của Betado là phát triển từ sớm, thu hút số lượng nhà đầu tư tham gia lớn với danh mục, lĩnh vực hỗ trợ đa dạng từ âm nhạc, công nghệ, xã hội, kiến trúc, nghệ thuật cho đến phần mềm, truyện tranh, tỷ lệ gọi vốn thành công cao, quy trình gọi vốn nhanh chóng, đơn giản.

Một nền tảng crowdfunding khác là Comicola được Liên minh truyện tranh online thành lập năm 2015. Chỉ trong vòng một năm hoạt động, Comicola đã gây quỹ thành công cho 14 tác phẩm truyện tranh. Nền tảng này được phát triển nhằm huy động vốn xuất bản sách hay các ấn phẩm, chủ yếu là truyện tranh.

Trong khi đó, một dự án crowdfunding nổi tiếng là IG9 đã phải rời bỏ thị trường, theo báo cáo của MBBank. IG9 lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 4/2013. Trong khoảng 1 năm hoạt động, IG9 đã gọi vốn cộng đồng thành công cho 40 dự án với quy mô huy động bình quân từ 7-15 triệu đồng/ dự án. Sau một thời gian hoạt động, trang web này đã âm thầm đóng cửa vào năm 2014.

Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển mạnh mẽ của Fintech nói chung và crowdfunding nói riêng, với tỷ lệ tiếp cận internet cao. Tính đến tháng 1/2021, Việt Nam có 68,72 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 70% dân số. Mức độ phủ sóng và sử dụng di động cao, với số lượng kết nối di động tính đến tháng 1/2021 lên tới 154,4 triệu thuê bao. Nhóm dân số trẻ quy mô lớn giúp dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh và huy động vốn mới.

Tuy nhiên, một số thách thức nổi bật là rủi ro an ninh mạng và mức độ bảo mật thông tin chưa cao. Báo cáo Fintech của MBBank chỉ ra rằng hệ sinh thái crowdfunding cũng như nhiều hình thức Fintech khác hiện chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể như cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính - viễn thông, chưa có khuôn khổ pháp lý quản lý chuyên biệt và đồng bộ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.