Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, khởi công ngày 22/4/2018. Sau hơn 4 năm thi công, dự án vành đã được khánh thành. Tuyến đường gồm 2 hợp phần: Mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Hợp phần đường dưới thấp có quy mô 8-10 làn xe rộng 53,5-63,5 m, vỉa hè rộng 4-6 m mỗi bên và được lát đá, trồng cây giáng hương. Công trình đường trên cao dài hơn 5 km với 4 làn xe dành riêng cho ôtô (rộng 19 m), nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân.
Đại diện nhà thầu cho biết dự án vành đai 2 là công trình đầu tiên áp dụng công nghệ thi công trên đà giáo di động và đã thành công, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.
Toàn tuyến có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng (trên phố Đại La và phố Trường Chinh) cùng lối lên xuống ở Ngã Tư Sở. Trong đó, nhánh lên xuống qua Ngã tư Vọng là hạng mục phức tạp nhất với trụ cầu cạn cao nhất Hà Nội. Tại đây độ cao từ nền đường trên cao tới mặt đất khoảng 30 m - gấp 1,5 lần so với các trụ cầu của các dự án khác. Trong tương lai, khu vực này sẽ hình thành nút giao 4 tầng xe chạy.
Dự án vành đai 2 được thực hiện theo hình thức BT, nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup, liên danh nhà thầu thi công là Trung Nam E&C - Trung Chính. Theo phương án thu hồi vốn được thông qua, nhà đầu tư được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 90 ha khu Sài Đồng A (quận Long Biên) và quỹ đất 130 ha trải trên 4 xã Tân Hội, Liên Trung, Tân Lập, Liên Hà (huyện Đan Phượng).
Đường vành đai 2 đoạn tuyến cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. |
Tại buổi lễ khai trương, ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định việc thông xe đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở sẽ góp phần giảm tải cho một trong những điểm nóng về ùn tắc nhiều năm qua. Đây là tiền đề để thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện vành đai 2,5, vành đai 3,5 và đặc biệt là tuyến vành đai 4 đang được triển khai đồng bộ.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố có phương án phân luồng hợp lý, kết hợp điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở cuối tuyến, không để xảy ra ùn tắc.
Để chuẩn bị cho tuyến đường vành đai 2 đi vào hoạt động, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa có thông báo về việc phân luồng tổ chức giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ lưu thông qua tuyến đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, cụ thể:
Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được đi đường Vành đai 2 trên cao, bao gồm: Máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường trên cao); người đi bộ, xe thô sơ; súc vật.
Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi đường Vành đai 2 trên cao: Ngoại trừ các phương tiện, đối tượng được liệt kê tại quy định nêu trên, các phương tiện cơ giới đường bộ có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan.
Mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, dải an toàn ngoài là 0,67m. Đối với các nhánh lên/xuống có bề rộng 7m, bố trí 1 làn đường xe chạy là 6m, dải an toàn hai bên là 0,5m.
Giao thông trên đường trên cao theo hai chiều riêng biệt (phân chia bởi dải phân cách cứng); các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở; Ngã Tư Vọng; Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Vĩnh Tuy), phương tiện không được quay đầu xe trên đường trên cao, chỉ dẫn xe chạy trên đường trên cao thông qua hệ thống sơn phân làn và hệ thống biển báo.
Phân bố làn xe chạy trên tuyến chính trên cao gồm, mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, dải an toàn ngoài là 0,67m.
Cụ thể, làn xe số 1 được bố trí sát với dải an toàn phía trong, phía giáp dải phân cách giữa. Làn xe số 2 được bố trí nằm sát với dải an toàn phía ngoài. Đối với làn xe chạy trên các nhánh vào, ra đường trên cao, tất cả các nhánh ra và vào đường trên cao bao gồm 1 làn xe cơ giới rộng 6,0m, 2 dải an toàn hai bên rộng 0,5m. Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên cầu chính là 80km/h. Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên cầu nhánh là 60 km/h. Thời gian áp dụng từ ngày 11/1.
Trước đó, để chuẩn bị cho tuyến đường đi vào hoạt động, trong 2 năm qua Hà Nội đã 4 lần phân luồng lại khu vực cuối tuyến là nút giao Ngã Tư Sở để kéo giảm ùn tắc.
Đường vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6 km, chạy qua các điểm Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên vành đai 2 là cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.
Dự án vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở bao gồm cả phần mở rộng dưới thấp có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Trong đó, tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.