Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng. |
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo Kết luận của các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo về xử lý các tồn tại, vướng mắc, thủ tục đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội (tên cũ: Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây) theo hình thức hợp đồng BT và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.
Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam do Cienco 5 thực hiện từ thời điểm tỉnh Hà Tây sáp nhập về TP Hà Nội theo hình thức BT. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ trong thời gian dài và đây cũng là vấn đề thành phố rất bức xúc. Tiến độ dự án bị ảnh hưởng do có mâu thuẫn giữa chủ đầu tư là Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) và doanh nghiệp triển khai dự án, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ảnh đã được gửi đến các cơ quan chức năng.
Theo đó, để giải quyết dứt điểm các tồn tại và sớm tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, UBND TP Hà Nội giao các Sở, ngành trên địa bàn thành phố khẩn trương, tích cực phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xử lý các quy trình, thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam theo hình thức hợp đồng BT và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường trục phía Nam.
Theo thông tin được đăng tải trên báo điện tử Bộ Xây dựng ngày 21/12, thời hạn hoàn thành các thủ tục pháp lý trong quý I/2023; hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt, UBND TP Hà nội yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị thực hiện đồng thời các thủ tục gia hạn thời hạn dự án đầu tư, thời hạn thực hiện hợp đồng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư đối ứng, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, ký phụ lục hợp đồng và các quy trình thủ tục cần thiết khác để đảm bảo cơ sở pháp lý và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Nhiệm vụ cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu, báo cáo UBND thành phố việc gia hạn thời gian thực hiện dự án, gia hạn hợp đồng BT, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện, báo cáo UBND thành phố xem xét trước ngày 20/1/2023.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, báo cáo UBND thành phố về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định, báo cáo UBND thành phố xem xét trong tháng 2/2023.
Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 các khu đô thị đối ứng của dự án đầu tư gồm: Khu đô thị Thanh Hà A, Khu đô thị Thanh Hà B, Khu đô thị Mỹ Hưng làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất thanh toán cho Dự án đầu tư theo hình thức BT, báo cáo UBND thành phố xem xét trong quý I/2023.
Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện theo dõi quá trình thực hiện dự án, đảm bảo việc thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng thi công công trình.
Đối với nhà đầu tư, UBND TP Hà Nội yêu cầu khẩn trương, tiếp tục thực hiện ngay việc thi công xây dựng đối với 9km đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Trước đề nghị của Nhà đầu tư về tạm thời chưa nộp ngân sách 920 tỷ đồng tiền vay lãi theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và sẽ thực hiện sau khi xác định lại giá trị Dự án BT, giá trị tiền sử dụng đất các dự án đối ứng, đề nghị các đơn vị có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ, các Sở, ngành thành phố liên quan xem xét.
Trước đó, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 - CTCP và CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã ký Biên bản thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ Bên B trong Hợp đồng Xây dựng Chuyển giao Dự án đường trục phía Nam.
Để thực hiện phần còn lại của Dự án, CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 là đơn vị thay mặt bên B của Hợp đồng BT làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện Dự án đường trục phía Nam và Dự án khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5 theo các văn bản pháp lý đã được ban hành.
Tuyến đường trục phía Nam Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ) có tổng chiều dài 41,5 km, mặt cắt ngang 40 m, dải phân cách 17 m. Tuyến nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên và kết nối với Quốc lộ 1A đoạn dưới Cầu Giẽ tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên.
Đây là tuyến đường quan trọng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 21, kết nối với Quốc lộ 1, liên thông với đường vành đai 4, đường Lê Trọng Tấn, kết nối giao thông thuận lợi đi Hải Phòng, Quảng Ninh và đi các tỉnh phía nam.
Vào tháng 4/2008, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) và Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng tuyến đường trục phía Nam này theo hình thức hợp đồng BT và đầu tư 3 khu đô thị mới mang tên Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng để tạo vốn hoàn trả cho nhà đầu tư BT.
Tổng mức đầu tư dự án đường và các khu đô thị mới này khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó dự án đường là 6.076 tỷ đồng.