Giun đất sau khi bị tận diệt sẽ được đưa về các đầu lậu thu mua để sấy khô đem đi tiêu thụ. Ảnh: VNA |
Để ngăn chặn tình trạng khai thác giun đất trái phép, loại trừ những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh trật tự xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã ra văn bản ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép trên địa bàn tỉnh.
Văn bản ngày 21/8 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Về hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc khai thác giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới ghi nhận việc khai thác giun đất bằng kích điện, chưa ghi nhận việc khai thác giun đất bằng hóa chất.
“Hành động ‘tận diệt’ giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng”, văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình nêu rõ.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình đưa ra các chế tài áp dụng quản lý, xử lý theo quy định hiện hành về việc khai thác, sơ chế giun đất theo các nội dung sau.
Đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, Sở áp dụng hình thức và mức xử bằng tiền từ 2.000.000 đồng - 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha; phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng - 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên.
Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình đề nghị UBND các huyện/thành phố và các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.
Sở sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất, kịp thời phát hiện những cơ sở hoạt động chui, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định (đình chỉ hoạt động, tháo dỡ nhà xưởng sơ chế, xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu tang vật…).
Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình đề nghị tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện, ngăn chặn đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi bắt giun bằng kích điện gây suy giảm chất lượng đất. Tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại về việc vận dụng quy định pháp luật trong quản lý khai thác, vận chuyển, buôn bán giun đất.