Hòa Phát công bố sản lượng bán hàng tăng trưởng, cổ phiếu vẫn ì ạch

HPG HÒA PHÁT
11:40 - 07/06/2022
Sản lượng thép xây dựng tháng 5 tăng 32% so với tháng trước. Ảnh: Hòa Phát
Sản lượng thép xây dựng tháng 5 tăng 32% so với tháng trước. Ảnh: Hòa Phát
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 5 với sản lượng thép xây dựng tăng 32%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, thép xây dựng tăng 26%. Nhưng trong phiên 7/6, mã cổ phiếu HPG của tập đoàn này vẫn giao dịch ở mức 33.300 đồng, thấp nhất từ tháng 2/2021

Kết quả kinh doanh khả quan

Cụ thể trong tháng 5/2022, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 780.000 tấn thép thô, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 660.000 tấn, tăng 10% so với tháng 5/2021. Riêng thép xây dựng đạt 393.000 tấn, tăng 32% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ 2021.

Trong tháng vừa qua, hoạt động xuất khẩu thép xây dựng ghi nhận kết quả khả quan với 167.000 tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng sản lượng nói trên. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 63.000 tấn phôi thép.

Với sản phẩm HRC, sản lượng tháng 5 đạt trên 200.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ còn chậm, dẫn đến mức tiêu thụ nguyên liệu thép cuộn cán nóng thấp hơn so với cùng kỳ và tháng 4/2022. Cụ thể, ống thép Hòa Phát đạt 51.000 tấn, tăng 17% so với tháng trước nhưng giảm 20% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ tương đương 54% so với cùng kỳ và tháng trước.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 3,6 triệu tấn thép thô, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và HRC đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5%. Thép xây dựng đóng góp 2 triệu tấn, tăng 26% so với 5 tháng 2021, trong đó có 631.000 tấn xuất khẩu, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. HRC ghi nhận 1,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Ống thép cỡ lớn Hòa Phát cung cấp cho công trình Lotte Mall Hà Nội. Ảnh: Hòa Phát
Ống thép cỡ lớn Hòa Phát cung cấp cho công trình Lotte Mall Hà Nội. Ảnh: Hòa Phát

Bên cạnh đó, Hòa Phát còn cung cấp trên 300.000 tấn ống thép, 152.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường trong và ngoài nước. Hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm, trong đó có 5,5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm.

Cũng theo thông tin từ Hòa Phát, trong 5 tháng đầu năm 2022, ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho hàng loạt dự án, công trình lớn trên cả nước, trong đó nổi bật nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bên cạnh đó là Lotte Mall Hà Nội, Nhà máy Vinfast Hải Phòng, KCN Đình Vũ, Dự án Hilton Hải Phòng; Malibu Hội An, Khu du lịch sinh thái Vina Capital, Bảo tàng Đà Nẵng, Thaco Trường Hải, Vinpearl Hội An; Cầu Rạch Miễu 2, Cao tốc Bến Lức – Long Thành, tuyến Metro số 1 TPHCM Masteri Quận 9…

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 1/2021.

Theo lãnh đạo Công ty Ống thép Hòa Phát, các chính sách hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19 cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về thúc đẩy các dự án đầu tư công là trợ lực quan trọng cho các dự án đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng.

Cổ phiếu giảm giá mạnh

Mặc dù kết quả kinh doanh tích cực trong 5 tháng đầu năm nhưng tại ĐHĐCĐ vừa qua, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vẫn đưa ra nhận định, ngành thép đang không thuận lợi. Nguyên nhân do chiến tranh Nga - Ukraine làm nguyên liệu tăng sốc. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc khi thị trường này chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới nên ảnh hưởng đến cầu.

"Hoà Phát chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người hãy đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi. Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hoà Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất", ông Long nói.

Ông Trần Đình Long tại ĐHĐCĐ thường niên 2022. Ảnh: Hòa Phát

Ông Trần Đình Long tại ĐHĐCĐ thường niên 2022. Ảnh: Hòa Phát

Ngay sau khi ông Long đưa ra thông tin, cổ phiếu của Hòa Phát và các mã ngành thép đã có nhiều phiên lao dốc. Dù 2 tuần gần đây, thị trường chung đã hồi phục nhưng cổ đông HPG vẫn chưa thể có niềm vui vì cổ phiếu vẫn trên đà giảm. Trong phiên 7/6, mã đang giao dịch ở mức giá 33.300 đồng, mức thấp nhất từ tháng 2/2021. So với mức đỉnh 58.000 đồng hồi tháng 10/2021, HPG đã giảm 43%. Chỉ riêng từ đầu tháng 3 tới nay, mã đã giảm 35%.

Việc cổ phiếu của Hòa Phát bị lạnh nhạt dù kết quả kinh doanh tích cực còn liên quan đến vấn đề chia cổ tức khi doanh nghiệp này dự kiến phát hành 1,34 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2021 với tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới).

Tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành trên thị trường khoảng 4,47 tỷ cổ phiếu, sau khi phát hành thêm nâng tổng số cổ phiếu phát hành của HPG lên 5,8 tỷ cổ. Bên cạnh chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, HPG cũng sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5%, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng.

Mặt bằng thị giá cổ phiếu thép xuống mức thấp, ban lãnh đạo lại chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong khi doanh nghiệp còn rất nhiều tiền mặt khiến nhiều cổ đông bức xúc. Hơn nữa, việc phát hành thêm cổ phiếu khiến cổ đông lo lắng về sự pha loãng, khiến thị giá càng thêm giảm.

Trả lời về vấn đề này tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng, với số tiền mặt 46.000 tỷ Hòa Phát không thể phiêu lưu được. “Tôi cũng muốn chia nhiều lắm, tôi là cổ đông lớn nhất thì tôi cũng muốn chia nhiều tiền chứ. Nhưng 40.000 tỷ không nhiều vì phải yêu cầu 25.000 tỷ để đảm bảo thanh toán. Để vươn lên một tầm mới thì chúng ta cần rất nhiều vốn”, ông Long chia sẻ với cổ đông.

Ông Long cho biết, quy mô của Dung Quất 2 là 80.000 tỷ nhưng doanh nghiệp chỉ vay ngân hàng 35.000 tỷ. Dự án này sẽ là trọng điểm trong tương lai, là động lực tăng trưởng của Hòa Phát trong những năm tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.