Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại họp báo chiều 20/10. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN |
Trong các phiên họp trước Kỳ họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đều nhấn mạnh về đổi mới tư duy lập pháp, theo tinh thần luật không quy định quá chi tiết. Tuy nhiên các đại biểu trong các kỳ họp Quốc hội trước đây đều nêu ý kiến rằng luật càng quy định càng cụ thể thì càng dễ thực hiện. Vậy việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật có mâu thuẫn với mục tiêu đưa luật vào cuộc sống nhanh nhất hay không?
Trả lời về vấn đề này tại họp báo chiều ngày 20/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đổi mới tư duy pháp luật là vấn đề Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu. Những năm qua, công tác xây dựng pháp luật đã có những bước tiến lớn, hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới thì tư duy xây dựng pháp luật cũng cần phải có đổi mới, có tính bứt phá.
“Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu tiếp tục thực hiện chiến lược xây dựng pháp luật đồng bộ với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào pháp luật trước, từ đó pháp luật mới ra cuộc sống nhanh,” ông Nguyễn Khắc Định nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 27 của Trung ương có nhiều tư tưởng mới về đổi mới xây dựng pháp luật. Điển hình là yêu cầu đổi mới công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, chú ý đến vấn đề đúng thẩm quyền của các cơ quan trong quá trình xây dựng pháp luật trong từng khâu, từ xây dựng chương trình đến dự thảo, thẩm tra, tiếp thu, hoàn chỉnh... đến ban hành. Cơ quan nào làm tốt việc của cơ quan đó. “Với tinh thần như vậy thì Quốc hội làm đúng vai trò của Quốc hội,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề xây dựng pháp luật chủ yếu là do Chính phủ đề xuất, vì Chính phủ là cơ quan quản lý điều hành, phân công các Bộ, các ngành điều hành các lĩnh vực, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Quốc hội có tầm nhìn bao quát, làm nhiệm vụ xem xét thông qua.
“Lâu nay, các cơ quan Quốc hội yêu cầu các luật phải cụ thể để triển khai ngay, tránh ‘đẻ thêm giấy phép con’ gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nhưng không phải vì tránh khó khăn ấy mà luật quy định hết. Chính phủ phải quy định nghị định. Thời gian qua, chúng ta nâng nhiều nghị định, thậm chí nâng nhiều quy định trong thông tư thành luật, dẫn tới việc có những luật 5-6 năm nhưng sửa tới 5-6 lần,” Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.
Những điểm mới của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV Chiều 20/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Kỳ họp sẽ khai mạc vào sáng 21/10. |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, theo tinh thần Trung ương quán triệt, Bộ Chính trị đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng một đề án về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả; sẽ trình Bộ Chính trị vào cuối năm nay.
Văn phòng Trung ương cũng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu, triển khai đổi mới tư duy pháp luật, từ nặng về quản lý sang vừa quản lý tốt vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.
“Như các nhà khoa học nói, luật là hành lang pháp lý, hàng lang càng rộng thì sự sáng tạo càng nhiều, nếu hành lang chật, chi tiết quá thì sẽ trói buộc sự sáng tạo. Hãy dành sự sáng tạo cho Chính phủ, các cơ quan quản lý, nhưng yêu cầu là không được làm phiền người dân, doanh nghiệp, phải khơi thông nguồn lực. Lúc này, lại quay trở lại vấn đề giám sát. Quốc hội, HĐND, các cơ quan dân cử phải tiến hành giám sát trở lại, giám sát ngay từ khi chính sách chưa được ban hành; có sự phối hợp giữa các cơ quan, kế thừa sản phẩm của nhau, tránh tình trạng gây phiền hà, cản trở sự phát triển,” Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, tư tưởng đổi mới xây dựng pháp luật sẽ được thể hiện trong Kỳ họp thứ 8; trước đó được triển khai qua hai phiên họp 37, 38 của UBTVQH. Chính phủ cũng đã tiếp thu qua việc điều chỉnh giảm các quy định trong các dự án luật như Luật Việc làm sửa đổi, Luật Nhà giáo... “Luật sắp tới sẽ rất ngắn nhưng vẫn đủ cơ sở pháp lý để vừa quản lý tốt vừa tạo hành lang để các cơ quan thoả sức sáng tạo, tránh tình trạng hơi thay đổi một chút là sửa luật,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.