Hơn 190.000 tỷ đồng được NHNN bơm vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm

TÀI CHÍNH Việt nAM
22:31 - 03/03/2022
 Hơn 190.000 tỷ đồng được NHNN bơm vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã bơm vào nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng, con số này được cho là cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 cho biết, chỉ số CPI trong 2 tháng đầu năm tăng 1,68%, chỉ riêng tháng 2 năm nay tăng 1,42%. Trong đó, thị trường tiền tệ có tỷ giá ổn định cũng như lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,82% so với cuối năm 2021.

Từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng cũng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng tín dụng. Đặc biệt, trong tháng 1/2022, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 2,74%, tương đương với mức tăng gần 286.000 tỷ đồng so với trước đó.

Ngoài ra, do là dịp Tết Nguyên đán, nên nhu cầu vay vốn của người dân cũng như doanh nghiệp không mạnh như giai đoạn nửa cuối năm, nên trong tháng 2, dư nợ tín dụng sụt giảm còn 96.000 tỷ đồng. Gộp chung 2 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 0,66%, tương đương với mức dư nợ tăng hơn 60.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng hạ nhiệt, lãi suất huy động từ dân cư của các nhà băng cũng gần như đi ngang trong tháng 2. Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết lãi suất huy động bình quân thay đổi không đáng kể đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Theo đó, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 6 tháng chỉ tăng 0,003 điểm % trong tháng 2, đạt 4,795%/năm. Trong khi lãi suất huy động 12 tháng giảm 0,006 điểm %, xuống còn 5,545%/năm. So với cùng kỳ năm 2021, lãi suất trung bình 6 và 12 tháng hiện thấp hơn lần lượt 0,05 và 0,14 điểm %.

Về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, BVSC cho rằng mức lạm phát trong nước 2 tháng qua vẫn tương đối thấp so với các năm gần đây, điều này sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong các tháng đầu năm 2022 nhằm kích thích nền kinh tế hồi phục.

Tuy nhiên, BVSC dự báo áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong thời gian tới khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế.

Áp lực này có thể khiến nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Vì vậy, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021.

Trước đó, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn đạt hơn 13%, và quý IV là quý bứt phá mạnh nhất. Trong năm 2022, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15% và triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nhìn chung, lãi suất nhiều khả năng đã chạm đáy trong năm 2021 và sẽ nhích tăng trở lại vào cuối năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.