Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Hanoi.gov |
Tại lễ hợp long, giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được khởi công ngày 9/1/2021 với quy mô thiết kế về kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, với tổng chiều dài 3.473m, mặt cắt ngang cầu 19,25m. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.538 tỷ đồng.
Điểm đầu của dự án giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối là ngã tư giao đường Cổ Linh và Đàm Quang Trung (quận Long Biên). Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy 2 được thiết kế 8 làn xe; trong đó có 4 làn xe ôtô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ. Đây là cây cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.
Sau khi hợp long cuối cùng các đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện gờ bê tông lan can, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và cảnh quan, cây xanh, thảm bê tông nhựa... để thông xe trước 2/9/2023.
Giám đốc Ban quản lý dự án cũng cho biết cho biết khi hoàn thành cầu sẽ khớp nối với vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía bắc và đông bắc thành phố.
Khi thông xe, cầu sẽ tổ chức giao thông một chiều theo hướng nội thành ra ngoại thành, trong khi cầu Vĩnh Tuy 1 theo hướng ngược lại.
Như vậy, khi di chuyển ra ngoại thành qua cầu Vĩnh Tuy 2, người dân sẽ di chuyển theo hướng vành đai 2 qua cầu về phía Long Biên, hướng đi từ Nguyễn Khoái sẽ có đường dẫn lên cầu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu các đơn vị khẩn trương thi công các hạng mục công việc còn lại để thông xe cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 trước ngày 2/9/2023.
Đồng thời, sau khi cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được đưa vào sử dụng phải tổ chức lại giao thông, lắp dải phân cách, sơn kẻ tổ chức giao thông cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 để đồng bộ tổ chức giao thông toàn dự án, xong trước ngày 10/10/2023.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý khi công trình cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được đưa vào sử dụng, áp lực giao thông sẽ đổ dồn về nút Ngã Tư Sở.
Do vậy, để hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 theo quy hoạch, khắc phục tình trạng ùn tắc tại vị trí nút giao Ngã Tư Sở, Sở Giao thông - Vận tải cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án.
Thứ nhất là nghiên cứu tổng thể nút giao Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi để có giải pháp thiết kế cầu vượt liên thông các hướng cho phù hợp. Thứ hai là mở rộng đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy theo quy hoạch với chiều rộng từ 53,5-60m.
Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021 - 2025, thuộc danh mục công trình được tập trung chỉ đạo theo Chương trình số 03 -CTr/TU, ngày 17/3/2023, của Thành ủy Hà Nội.
Dự án nhằm khép kín đường vành đai 2 theo quy hoạch, tránh việc hình thành nút thắt trên cầu Vĩnh Tuy sau khi hoàn thành đoạn tuyến vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy.
Năm 2019, thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai xây dựng sớm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, và đề nghị cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức BT sang đầu tư công bằng ngân sách của Thành phố và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đại diện các nhà thầu tham gia dự án cho biết dự án được thực hiện bởi 100% kỹ sư và công nhân người Việt Nam, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ thi công mới để giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1.