Indonesia vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam năm 2024

Gạo Indonesia
14:02 - 29/02/2024
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024 Indonesia dự báo sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam trong bối cảnh nước này thiếu hụt nguồn cung từ sản xuất trong nước.

Sáng 29/2, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tổ chức chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” tháng 2/2024 với chủ đề “Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024”.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam nhận định, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, việc Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo đột ngột… đã tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023. Trong đó, hầu hết các nước xuất khẩu gạo lớn đều tập trung đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia, áp lực lạm phát… đã góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng cao trong năm qua.

Năm 2023, Việt Nam xác kỷ lục mới về xuất khẩu gạo (kể từ năm 1989 đến nay) với 8,13 triệu tấn gạo và 4,67 tỷ USD (số liệu từ Tổng cục Hải quan). Châu Á tiếp tục là thị trường chính với các nước nổi bật như Philippines, Indonesia, Trung Quốc; kế đến là châu Phi…

Về chủng loại, ông Nam cho biết, nếu gạo thơm, gạo chất lượng cao chiếm trên 75% tổng lượng gạo xuất khẩu. “Điều này cho thấy những năm qua, cơ cấu chủng loại gạo của Việt Nam và các thị trường có sự thay đổi theo hướng bền vững, chất lượng ngày càng được nâng lên và đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông Nam chia sẻ tại Hội nghị.

Bước sang năm 2024, ông Nam cho rằng, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, bao gồm vấn đề thời tiết, động thái từ Ấn Độ... Tại các thị trường, Philippines tiếp tục là thị trường chính, châu Phi tương đối ổn định. Đáng chú ý, năm 2024, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn tiếp theo của Việt Nam.

Nhu cầu gạo dự trữ lớn từ phía Indonesia, giá gạo bán lẻ hiện lên tới 1,16 USD/kg

Chia sẻ rõ hơn tình hình thị trường, theo ông Phạm Thế Cường – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, trong 5 năm qua (từ năm 2018 đến nay), số lượng gạo sản xuất của Indonesia tương đối ổn định với mức 31 triệu tấn gạo/năm, trong 40 năm qua sản lượng sản xuất chưa bao giờ tăng 10%/năm với năng suất lúa hiện tại đạt 4,2 tạ/ha. Trong khi đó, mức tiêu dùng của quốc gia này lại ở khoảng 30 triệu tấn.

“Trước tình trạng sản xuất và tiêu thụ gạo của Indonesia, điều này đang cho thấy vấn đề đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững cho hơn 275 triệu dân với mức tăng trưởng dân số khoảng 1,17%/năm của chính phủ Indonesia vẫn là một thách thức lớn. Đây cũng tiếp tục là cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này”, ông Cường nhận định.

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã đề ra mục tiêu sản xuất 54,5 triệu tấn thóc, tương đương 32,07 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thiên tai, canh tác thu hẹp nên năm qua nước này chỉ đạt 30,9 triệu tấn gạo trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 30,62 triệu tấn gạo, do đó Indonesia gần như không có gạo để dự trữ.

Do ảnh hưởng bởi thời tiết, nguồn gạo sản xuất trong nước của Indonesia đang rơi vào tình trạng thiếu hụt. Ảnh minh họa.

Do ảnh hưởng bởi thời tiết, nguồn gạo sản xuất trong nước của Indonesia đang rơi vào tình trạng thiếu hụt. Ảnh minh họa.

Sản xuất trong nước thiếu hụt đã khiến Indonesia sau 3 năm không nhập khẩu gạo dự trữ đã ra quyết định nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia với tổng hạn ngạch năm 2023 là 3,5 triệu tấn. Trong khi đó mức nhập khẩu gạo trung bình giai đoạn 2019 – 2022 của quốc gia này là 409.000 tấn/năm. Dù vậy, tính đến ngày 31/12/2023, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia mới chỉ thực hiện mua vào gần 2,7 triệu tấn gạo, lượng gạo còn lại phải thực hiện nhập khẩu trong đầu năm 2024.

Ông Cường cho biết, ngày 26/2 vừa qua, theo Bộ trưởng Thương mại Indoneisa, tổng lượng gạo nhập khẩu dự kiến của quốc gia này đã được quyết định là 3,6 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu. Điều này xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm của Indonesia bị chậm do thiếu nước (ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino diễn ra trong năm 2023). Do đó, theo dự kiến, vụ lúa này sẽ thu hoạch vào tháng 5 và 6 (định kỳ hàng năm sẽ vào tháng 3 và 4).

Trong hạn ngạch 3,6 triệu tấn gạo nhập khẩu, đã có 2 triệu tấn gạo được chính phủ Indonesia cấp phép, đáng chú ý có gần 400.000 tấn gạo đã được thực hiện nhập khẩu. Chính phủ Indonesia cũng sẽ căn cứ vào tình hình sản xuất gạo trong nước để quyết định thực hiện nhập khẩu đủ hạn ngạch lượng gạo trên hay không.

Hiện tại, giá gạo bán lẻ trên thị trường tự do đối với gạo cao cấp tại Indonesia đã lên tới 18.000 Rupiah, tương đương 1,16 USD/kg (mức giá trần chính phủ Indonesia ấn định là 0,9 USD/kg). Theo ông Cường, hiện tượng giá gạo khan hiếm đã xuất hiện tại các siêu thị Indonesia. Tính đến tháng 2/2024, Indonesia đã phải trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt. Trước tình trạng giá gạo tăng cao và thiếu hụt nguồn cung, Bộ trưởng Thương mại Indonesia đề nghị người dân chuyển qua mua gạo bình ổn giá của chính phủ để tránh tình trạng giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do.

Với tình hình thiếu hụt gạo và tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo diễn ra trong trung tuần tháng 3/2024 (tháng lễ kéo dài trong 1 tháng) sẽ khiến nhu cầu lương thực của quốc gia này tiếp tục tăng cao, ông Cường cho biết.

Thách thức và những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Indonesia

Theo Tham tán thương mại Phạm Thế Cường, gạo Việt hiện đã có chỗ đứng tại Indonesia khi Việt Nam luôn là một trong 3 quốc gia cung cấp gạo nhập khẩu lớn nhất cho quốc gia này. Tuy nhiên, theo đánh giá của thương vụ, gạo Việt cũng phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường này.

Cụ thể, Indonesia luôn chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo sản xuất trong nước. Do đó, quốc gia Đông Nam Á này duy trì chính sách nhập khẩu chặt chẽ đối với lúa gạo, khiến nhu cầu nhập khẩu có xu hướng giảm. Điều này thể hiện rõ trong giai đoạn 2019 – 2022, Cơ quan hậu cần quốc gia đã không nhập khẩu gạo dữ trữ, toàn bộ gạo dự trữ đến từ nguồn sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng ngày càng chú trọng hình thành các vùng lúa gạo canh tác tập trung, đặc biệt thúc đẩy tăng tối thiểu 1 triệu ha trồng lúa, phát triển hệ thống thủy lợi, có chính sách hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp…

Đồng thời, sự cạnh tranh gay gắt giữa gạo Thái Lan và Việt Nam trong phân khúc chất lượng cao cũng là yếu tố thách thức đối với doanh nghiệp. Ông Cường cho biết, hiện sự nhận diện thương hiệu của gạo Việt Nam tại thị trường này chưa thực sự rõ nét, trong khi đó tại các siêu thị, gạo Thái Lan có thương hiệu dễ nhận biết với người tiêu dùng Indoneisa hơn.

Từ các yếu tố trên, để xuất khẩu gạo Việt sang Indonesia bền vững, ông Cường khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo, đa dạng hóa chủng loại, đảm bảo không vị phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp cần đảm bảo kiểm dịch, giao hàng đúng hạn và quan tâm đến việc phát triển thương hiệu, có chiến lược bài bản trong việc truyền thông…

Đọc tiếp