Khối ngoại giảm bán ròng hơn 60% trong quý I/2022

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
08:45 - 02/04/2022
Khối ngoại giảm bán ròng hơn 60% trong quý I/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), chỉ số VN-Index quý I/2022 đạt 1.492,15 điểm, trong đó, lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm tới 62,53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, kết phiên cuối tháng 3/2022, VN-Index giảm 0,41% so với cuối năm 2021; HNX-Index giảm đến 5,14% xuống 449,62 điểm; UpCOM-Index tăng 3,87% lên 117,04 điểm.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu trong tháng 3/2022 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 26.414 tỷ đồng và 806,8 triệu cổ phiếu, tăng lần lượt 13,82% về giá trị và 14,28% về khối lượng bình quân so với tháng 2. Tính chung quý 1/2022, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 801,18 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 25.908 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 23% về khối lượng và 67% về giá trị bình quân so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, dù trong quý I/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng 6.986 tỷ đồng trên HOSE, nhưng lượng bán ròng đã giảm tới 62,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh có nhiều lo ngại xung quanh căng thẳng của cuộc chiến Nga - Ukraine và áp lực lạm phát trên toàn thế giới khiến nhiều nhà đầu tư ngoại chuyển hướng phân bổ tài sản vào các kênh an toàn hơn.

Trong đó, MSN là cổ phiếu bị khối ngoại sàn HOSE bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 5.707 tỷ đồng; VIC và HPG đều có giá trị bán ròng trên 3.000 tỷ đồng; NVL bị bán ròng 2.136 tỷ đồng. Ngược lại, STB đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 2.026 tỷ đồng; DGC và VHM được mua ròng lần lượt 1.891 tỷ đồng và 1.094 tỷ đồng.

Trái với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.421 tỷ đồng ở sàn HoSE trong quý đầu tiên của năm 2022, giảm 44% so với quý IV/2021, trong đó chỉ có 5.325 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Như vậy, các cá nhân trong nước đã mua ròng trong cả 5 quý kể từ đầu năm 2021 đến nay với tổng giá trị gần 102.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã MSN với giá trị 5.967 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VIC cũng được mua ròng 5.653 tỷ đồng. Hai mã HPG và NVL được mua ròng lần lượt 2.865 tỷ đồng và 2.517 tỷ đồng. Trong khi đó, STB bị dòng vốn này bán ròng mạnh nhất với 2.267 tỷ đồng. VPB và DGC đều bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Mặt bằng lãi suất có khả năng tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp và do vậy, dòng tiền nhiều khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua và hiện mới chiếm khoảng 4,7% dân số. Thống kê này cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp