Kiến nghị tăng nguồn vốn cho vay đối với lao động đi nước ngoài

LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI
20:29 - 08/07/2023
Đề xuất tăng mức vay cho lao động đi nước ngoài. Ảnh: VGP.
Đề xuất tăng mức vay cho lao động đi nước ngoài. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Nhận thấy chương trình cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm không đủ để đáp ứng đối tượng thụ hưởng, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị cần bổ sung nguồn vốn, nâng mức cho vay từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Tại hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm" ngày 7/7, ông Vương Văn Minh, Giám đốc Ban tín dụng học sinh - sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, đã có 2.809 người lao động được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài, với doanh số đạt 210,765 tỷ đồng, mức cho vay trung bình khoảng 75 triệu đồng/người lao động.

Đối với chương trình cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS), số dư ký quỹ đạt trên 2.909 tỷ đồng với 23.671 lao động còn dư tiền gửi ký quỹ, doanh số cho vay ký quỹ đạt 25,9 tỷ đồng với 259 lao động vay vốn để ký quỹ. Nợ quá hạn của chương trình khoảng 25 tỷ đồng.

Theo ông Minh, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ, giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị cần bổ sung nguồn vốn cho vay, nâng mức cho vay từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Đồng thời, đề nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi không quy định điều kiện vay vốn đối với người lao động là nơi cư trú hợp pháp phải cùng địa bàn nơi thực hiện dự án như hiện nay.

Ông Minh cũng đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm.

Hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm" ngày 7/7. Ảnh: UBND Bến Tre.

Hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm" ngày 7/7. Ảnh: UBND Bến Tre.

Báo cáo về tình hình thực tế từ địa phương, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, tính từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cho vay 11.693 lao động, với tổng số tiền 480 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Đồng thời thực hiện cho vay đối với người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 379 lao động, với tổng số tiền 31,9 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn từ 02 nội dung này là 0,12 %.

Như vậy, với những kết quả nêu trên, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định sự đúng đắn, góp phần quan trọng quyết định hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi ‘tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, cùng chung bối cảnh chung, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với việc làm, ông Hùng nhìn nhận, nhu cầu về nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn, nguồn vốn không đủ để đáp ứng cho vay các đối tượng thụ hưởng.

Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bến Tre kiến nghị có cơ chế chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để thực hiện cho vay.

Hiện nay, tại Bến Tre, tổng nguồn vốn để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của tỉnh là 519 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương vẫn còn ở tỷ lệ thấp, chiếm khoảng 13,87%, với số tiền 72 tỷ đồng.

Nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là 312 tỷ (chiếm tỷ lệ 60,11%) và nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội là 135 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,02%).

Do đó, Sở LĐTB&XH tỉnh Bến Tre đề nghị Trung ương xem xét, chuyển toàn bộ nguồn vốn còn lại từ 2 chương trình (Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và Chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến) chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. “Vì qua rà soát nhu cầu vay vốn, thì các đối tượng thụ hưởng từ 2 chương trình này không còn nhu cầu vay vốn”, ông Hùng đề xuất giải pháp.

Từ 2016 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 861.340 người. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng liên tục qua các năm (trung bình tăng 7%/năm) và số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất là năm 2019 đạt 152.530 người (bằng 121% năm 2016). Trong đó ghi nhận sự tăng nhanh tại thị trường có thu nhập cao, ổn định như thị trường Nhật Bản và Đài Loan, giảm mạnh ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi.

Tin liên quan

Đọc tiếp