UBND thị xã Kinh Môn vừa có báo cáo về thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó về lĩnh vực giáo dục thiệt hại gần 41 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp ước thiệt hại trên 158 tỷ đồng; về nhà ở thiệt hại hơn 337 tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản giá trị thiệt hại hơn 520 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về cây lúa, rau màu, cây ăn quả, rừng, thủy sản khoảng hơn 14 tỷ đồng và các thiệt hại khác như chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, lồng bè cá…; lĩnh vực thủy lợi thiệt hại hơn 600 triệu đồng; công trình, hệ thống đê điều thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa ước thiệt hại hơn 15 tỷ đồng; về thông tin, liên lạc thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường thiệt hại khoảng 9,5 tỷ đồng; cây bóng mát, cây xanh đô thị bị đổ gẫy, thiệt hại khoảng 5,3 tỷ đồng; điện chiếu sáng thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng; các công trình khác ước giá trị thiệt hại hơn 180 tỷ đồng...
Nông dân thôn Bến Thôn, xã Thăng Long (thị xã Kinh Môn) thu hoạch lúa. Ảnh chụp chiều 3/10. |
Sớm ổn định sản xuất
Về công tác khắc phục hậu quả, theo ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Thị ủy, công tác khắc phục được thực hiện khẩn trương, nhanh chóng. Cụ thể, UBND thị xã chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả sau bão, lũ gây ra trên địa bàn để đảm bảo khôi phục sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân…
Đến ngày 1/10, công tác xử lý các thiệt hại đã thực hiện trên địa bàn thị xã Kinh Môn, trong đó, Thị ủy, UBND thị xã đã cử đoàn đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ mỗi hộ có người bị thiệt hại số tiền 27,5 triệu đồng.
Cùng với đó, kịp thời quan tâm, động viên, thăm hỏi, hỗ trợ đời sống của người dân đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, người bị thương do mưa bão gây ra. Đảm bảo thuốc khám, chữa bệnh cho người dân; triển khai phương án phòng chống dịch bệnh…
Bà Vũ Thị Mai, nông dân thôn Bến Thôn làm đất chuẩn bị gieo trồng cây rau màu vụ đông và hành, tỏi. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thị xã Kinh Môn đã tổ chức thống kê thiệt hại, đề nghị hỗ trợ. Cạnh đó, hỗ trợ nông dân tái cơ cấu vật nuôi, cây trồng đối với khu vực bị thiệt hại hoàn toàn. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo các địa phương khôi phục, khắc phục nhanh hậu quả sớm ổn định sản xuất.
Về các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, công nghiệp, thủy lợi, thị xã Kinh Môn tổ chức thống kê thiệt hại, cử các lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả... Đồng thời, đề xuất hỗ trợ thiệt hại về nhà ở cho người dân đặc biệt là các hộ gia đình chính sách và người có công.
Tại hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, do UBND thị xã Kinh Môn tổ chức chiều ngày 2/10, lãnh đạo thị xã Kinh Môn ghi nhận và biểu dương tinh thần, trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Theo lãnh đạo thị xã Kinh Môn, đợt bão lũ vừa qua đã gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng cũng để lại bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo trong phòng chống thiên tai trên địa bàn để rút kinh nghiệm trong những năm tiếp theo.
Nông dân thôn Bến Thôn phủ rơm lên các luống đất mới gieo hạt rau màu. |
Lãnh đạo thị xã Kinh Môn đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương trên địa bàn thị xã tiếp tục tập trung khắc phục để sớm ổn định đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, đề xuất với cấp có thẩm quyền hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, kinh doanh, triển khai ngay các gói hỗ trợ khẩn cấp của tỉnh, thị xã để khắc phục hậu quả của bão lũ; tiến hành kiểm tra, khảo sát các tuyến đê, vị trí xung yếu tiềm ẩn mất an toàn để kiến nghị tỉnh có chính sách duy tu, bảo dưỡng kịp thời; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị…
Chuẩn bị cho cây rau màu, cây vụ đông
Có mặt tại thôn Bến Thôn, xã Thăng Long (thị Xã Kinh Môn) chiều 3/10, theo quan sát của Mekong ASEAN, tại đây, bà con nông dân đang tích cực thu hoạch lúa, làm đất để trồng cây rau màu, cây vụ đông và hành, tỏi.
Ông Nguyễn Hữu Dung, thôn Bến Thôn ngậm ngùi trước ruộng mướp hơn 5 sào bị bão lũ tàn phá. |
Bà Vũ Thị Mai, nông dân thôn Bến Thôn cho biết, trận bão vừa qua, lúa bị va đập, thóc rụng… Sau bão, những bông lúa còn lại cũng bị đầu ruồi, năm nay mỗi sào (Bắc Bộ) cũng chỉ thu được mấy chục kg thóc, trong khi năm trước mỗi sào thu hoạch được 2,5 tạ thóc.
“Nhà tôi có 6 sào ruộng, trong đó có 4 sào trồng lúa, 2 sào rau màu trồng dưa chuột, rau cải, rau mùi, rau gia vị. Tình hình thóc lúa sau bão lũ thì như vậy, còn rau màu hỏng hết, không thu hoạch được cây nào. Hiện chúng tôi đang tập trung làm lại đất để chuẩn bị trồng cây vụ đông và hành, tỏi”, bà Mai thông tin.
Nhiều diện tích sắn dây tại bãi ngoài đê thôn Bến Thôn bị chết và hỏng củ do bão lũ. |
Tại cánh đồng, bãi ngoài đê thôn Bến Thôn, xã Thăng Long, tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Nguyễn Hữu Dung (66 tuổi), một nông dân tại thôn ra dọn dẹp ruộng mướp có diện tích 5 sào 10 thước, đã bị đổ nát hoàn toàn do trận bão lũ vừa qua.
Ông Dung chia sẻ: “Các cây mướp ở đây chết hết rồi! Tôi ra dọn dẹp, cọc tre và dây thép để chuẩn bị ruộng đất trồng hành, tỏi. Sang năm mới trồng lại mướp được vì tầm này mướp đang cho thu hoạch, không phải mùa trồng mướp mới”.
Ông Dung cho biết thêm, với hơn 5 sào trồng mướp, như những năm trước, khi được giá, gia đình ông thu hoạch một năm được hơn 100 triệu đồng tiền bán quả mướp, nếu rẻ cũng được 70 - 80 triệu đồng. Còn năm nay, vào thời điểm trước bão, gia đình ông mới bán và thu được hơn 10 triệu đồng tiền mướp quả, số còn lại mất trắng. Ngoài ra, hệ thống cọc tre bị đổ gãy, dây thép để làm giàn cho mướp leo cũng bị hư hỏng...
Một số diện tích, hành tỏi ở xã Thăng Long mới được trồng và một số diện tích đã lên cây. |
Trao đổi với Mekong ASEAN, Chủ tịch UBND xã Thăng Long Nguyễn Đức Đông cho biết, toàn xã có khoảng 235 ha trồng lúa, trong đó thiệt hại do bão lũ vừa qua mức trên 70% là 20 ha, thiệt hại từ 50% - 70% khoảng 215 ha. Diện tích cây rau màu các loại khoảng 55 ha đã bị thiệt hại trên 70% và 5 ha cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại từ 50% - 70%. Bên cạnh đó, lợn, gà, vịt, chim cút đẻ trứng, chim cút thịt trên địa bàn xã bị chết khoảng hơn 90 nghìn con; cá nuôi trong ao hồ thiệt hại trên 70% khoảng 5 ha; 160 lồng, bè nuôi thủy sản thiệt hại từ 30% - 50%...
Rà soát, tổng hợp thiệt hại
Thông tin về công tác chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Lê Văn Điền cho biết, thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, phường thực hiện thống kê, đánh giá chính xác tình hình thiệt hại do bão, lũ gây ra và sử dụng các nguồn kinh phí sớm hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Trường tiểu học Thăng Long (xã Thăng Long) bị hỏng một số mái lán do bão số 3 gây ra. |
Cụ thể, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, UBND thị xã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Hạt Quản lý đê và các phòng, ban, đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các cấp hỗ trợ thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Tranh thủ thời tiết tiến hành chăm bón, phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thị xã (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp); đối với diện tích lúa và cây rau màu bị thiệt hại không khắc phục được, tiến hành dọn sạch ruộng, để khô ruộng, tranh thủ gieo trồng cây vụ đông sớm.
Đối với chăn nuôi, thủy sản cần quan tâm xử lý xác cá chết, thủy sản; khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thị xã.
Trong lĩnh vực y tế, UBND thị xã chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã triển khai công tác phòng dịch bệnh sau bão, lũ đến các xã, thị trấn; thực hiện phun thuốc khử khuẩn tại các khu vực bị ngập úng, các điểm kinh doanh buôn bán của người dân; đảm bảo đủ cơ số thuốc để đảm bảo khám, chữa bệnh…
Đối với lĩnh vực giáo dục, UBND thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các xã, phường tăng cường kiểm tra, đánh giá độ an toàn của nhà học, lớp học;… đề xuất cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình, thiết bị giảng dạy hư hỏng do mưa, bão.
Nông dân thôn Lộ Xá, xã Thăng Long thu hoạch lúa và chuẩn bị cho cây rau màu vụ đông. |
Ngoài ra, tập trung rà soát, lập danh mục các công trình cần thực hiện sửa chữa, khắc phục khẩn cấp để sớm đưa vào hoạt động (trường học, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội...) và bố trí nguồn lực để thực hiện xử lý khẩn cấp; các công trình khác lập danh mục triển khai thực hiện theo quy định.
Đối với những lĩnh vực còn lại, UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, phường tham mưu, đề xuất để đảm bảo ổn định tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất...
UBND thị xã và UBND các xã, phường sẽ dùng các nguồn tài chính hiện có để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách còn thấp, phải cân đối chi nhiều lĩnh vực, do đó, UBND thị xã Kinh Môn cũng đề nghị tỉnh, Trung ương quan tâm hỗ trợ cho ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra.