Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân: "Chỉ có hợp tác xã phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún". Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN |
Diễn đàn Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững được tổ chức ngày 24/11 nhằm lắng nghe tiếng nói và đề xuất từ các doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX) về mô hình kinh tế tập thể, giải pháp phát triển HTX theo hướng bền vững.
Phát triển nông nghiệp bền vững trở thành nhu cầu tất yếu
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, hiện cả nước có gần 30.000 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Việc phát triển HTX nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh mới với nhiều thách thức.
“Chỉ có HTX phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, từ đó gia tăng quy mô HTX, giúp thu nhập của người nông dân tăng lên, cải thiện đời sống", bà Cao Xuân Thu Vân chia sẻ.
Theo TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, hiện có 5 cơ hội phát triển cho các HTX trong xu thế chuyển đổi xanh.
Trước hết, Việt Nam đang có nhiều chính sách ưu tiên nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các HTX nông nghiệp chuyển đổi xanh.
Việc chuyển đổi xanh sẽ khiến các HTX cần đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ và lao động, từ đó, nâng cao năng lực quản trị, năng lực nội tại của mình. Đồng thời, các HTX cũng có cơ hội tiếp thu các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc liên kết, hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ từ HTX, doanh nghiệp khác.
Chuyển đổi xanh thúc đẩy các HTX nông nghiệp gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho hợp tác xã và các thành viên.
Chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều thách thức
Tuy vậy, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các HTX nông nghiệp. Sự phát triển không đồng đều của HTX giữa các địa phương, vùng miền dẫn đến khó hấp thụ được cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như chính sách đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động, các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon.
TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương). Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN |
Bên cạnh đó, năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế.
Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp nên khó áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến như công nghệ sạch, giảm phát thải carbon. HTX cũng khó hấp thụ được các chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn, khả năng chuyển đổi mô hình hoạt động kém linh hoạt.
Mặt khác, theo ông Vũ Mạnh Hùng, tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu, hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa họ với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến, dẫn đến khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế quy mô kém.
Ông Hùng cho rằng cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX.
Cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để HTX nông nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý, chính các HTX nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.
Đồng thời, cần tăng cường tính liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Không chỉ cần sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân mà còn cần sự tham gia của các thành phần khác như doanh nghiệp cung cấp đầu vào, ngân hàng và Nhà nước.
Cùng với đó, cần phải có những chính sách thiết thực hiệu quả, để hỗ trợ sự liên kết này thông qua ưu đãi về thương mại, tín dụng, khoa học công nghệ, bảo hiểm, đất đai hay hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng.