Cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, chiều 7/4. |
Chiều 7/4, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp Tổng kết tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Việt Nam có gần 30.000 hợp tác xã
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, trong năm 2022, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.
Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30.000 hợp tác xã (tăng hơn 2.000 hợp tác xã, tương ứng 7% so với năm 2021); 125 liên hiệp hợp tác xã (tăng 18 đơn vị, tương ứng khoảng 17% so với năm 2021) và 71.000 tổ hợp tác. Các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.
"Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, khu vực này có nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng nội tại của Đảng, Nhà nước, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình hoạt động còn lỏng lẻo, trình độ quản lý hợp tác xã còn hạn chế".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, những khó khăn này càng trở nên thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động và yêu cầu đổi mới của cách mạng công nghệ 4.0. Do đó, Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị cho rằng, cần xác định đúng hướng đi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong năm 2023.
Doanh thu bình quân hợp tác xã năm 2022 tăng mạnh lên 3,5 tỷ đồng
Khái quát về tình hình hoạt động của kinh tế tập thể Việt Nam trong năm qua, Thứ trưởng KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, các chỉ tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đều tăng so với năm trước.
Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể trong năm 2022 là gần 8 triệu thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 976,3 nghìn người.
Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 hợp tác xã (chiếm 66,4%) và gần 10.000 hợp tác xã phi nông nghiệp, còn lại là 1.488 hợp tác xã các lĩnh vực khác.
So với năm 2021, doanh thu bình quân hợp tác xã tăng 35%, lên 3,59 tỷ đồng. Lãi bình quân của 1 hợp tác xã 366 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng, khoảng 71%. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với 2021.
Quý 1/2023, Việt Nam tiếp tục thành lập mới 562 hợp tác xã, giải thể 31 hợp tác xã nâng tổng số hợp tác xã cả nước lên 29.909 hợp tác xã. Các tỉnh, thành phố có số hợp tác xã thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội (31 hợp tác xã), Bắc Giang (26 hợp tác xã) và Thái Nguyên (25 hợp tác xã).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hết năm 2022, cả nước có khoảng 35.000 tổ hợp tác, 19.500 hợp tác xã và 91 liên hiệp hợp tác xã hoạt động, thu hút gần 3,8 triệu thành viên và trên 1,5 triệu lao động. Doanh thu bình quân khoảng 2,3 tỷ đồng, lãi bình quân khoảng 378 triệu đồng 1 hợp tác xã. Thu nhập bình quân của lao động đạt 50 triệu đồng/1 năm.
Thứ trưởng KH&ĐT Đỗ Thành Trung. |
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 36.000 tổ hợp tác, 9.878 hợp tác xã và 33 liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực phi nông nghiệp.
Trong đó, số hợp tác xã lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhiều nhất, với khoảng 4.800 hợp tác xã, tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền núi phía Bắc. Chủ yếu trong các ngành nghề: chế biến nông, lâm, thủy sản; gốm, gỗ mỹ nghệ; mây, tre lá đan lát; dệt, may, thêu; cơ khí, chế tạo; sản xuất hàng tiêu dùng .
Lĩnh vực giao thông vận tải có số lượng đứng thứ hai với 1.700 hợp tác xã, với doanh thu đạt từ 300 - 700 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng 1 tháng.
Tính đến ngày 31/10/2022, lĩnh vực tín dụng có 1.179 Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố. Tổng nguồn vốn đạt gần 166 nghìn tỷ. Tổng dư nợ đạt 131.737 tỷ; tăng 13,9% so với 31/12/2021
Lĩnh vực xây dựng có khoảng 940 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã. Doanh thu bình quân một hợp tác xã 3,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên, lao động là 56,4 triệu đồng/năm.