Lãi gần 10.000 tỷ đồng, Vietcombank vẫn về nhì trong cuộc đua lợi nhuận quý I/2022

VIETCOMBANK NGÂN HÀNG
10:58 - 06/05/2022
Lãi gần 10.000 tỷ đồng, Vietcombank vẫn về nhì trong cuộc đua lợi nhuận quý I/2022
0:00 / 0:00
0:00
Vietcombank mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng. Dù vẫn giữ được đà tăng trưởng nhưng Vietcombank đã để tuột mất vị trí quán quân lợi nhuận hợp nhất vào tay ngân hàng VPBank.

Các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đều đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, Vietcombank "về đích" thứ 2 với lợi nhuận đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ, xếp sau quán quân VPBank với lợi nhuận quý I hơn 11.000 tỷ đồng do ghi nhận khoản thu bất thường.

Cụ thể, về hoạt động kinh doanh quý I,nhiều mảng kinh doanh của Vietcombank ghi nhận sụt giảm. Cụ thể, thu nhập từ góp vốn mua cổ phiếu giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, mang về 24,5 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm hơn 21%, đạt 2.710 tỷ đồng; mảng hoạt động kinh doanh khác cũng giảm đến 52%, chỉ đem về 484 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận mức giảm mạnh nhất, giảm đến 80% còn gần 16,5 tỷ đồng

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 18,8% đạt 11.976 tỷ đồng; mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng 46% do doanh số mua bán ngoại tệ của Vietcombank tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Về chi phí, theo giải trình kết quả kinh doanh quý I, chi phí cho hoạt động quản lý công vụ của Vietcombank trong kỳ cũng giảm do ngân hàng thực hiện tốt việc kiểm soát các chi phí hoạt động quản lý công vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản trị, điều hành. Do đó, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của Vietcombank đạt 12.224 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 12%.

Kết quả, Vietcombank lãi trước thuế 9.950 tỷ đồng, tăng 15% so với quý I/2021 sau khi trừ đi khoản trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần 2.274 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu lãi trước thuế 30.675 tỷ đồng đặt ra trong năm 2022, nhà băng này đã thực hiện được hơn 32% sau quý đầu năm.

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Vietcombank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức hơn 1,46 triệu tỷ đồng. Chủ yếu do khoản cho vay khách hàng tăng 7% đạt gần 1,03 triệu tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 4%, ghi nhận gần 1,18 triệu tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) và Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROA) trong kỳ đều tăng, lần lượt là 7,04% và 0,55%, cho thấy ngân hàng đang quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình.

Đáng chú ý, số dư nợ xấu của Vietcombank đã tăng mạnh gần 37% trong quý đầu lên 8.372 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 0,81%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh gần 96% lên 1.459 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng mạnh 75% lên 1.693 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn lên 5.220 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm đầu năm.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, tương đương tối thiểu đạt 30.675 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 8%, huy động vốn dự kiến cao hơn 9%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Dư nợ dự kiến tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu đặt mục tiêu thấp hơn 1,5%.

Về phương án tăng vốn điều lệ, ngân hàng dự kiến phát hành 856 triệu cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ phát hành 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần tại thời điểm phát hành được nhận tối đa 181 cổ phần), nâng mức vốn điều lệ dự kiến lên 55.891 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng hoàn toàn tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, duy trì mục tiêu tổ chức tín dụng có hiệu quả và chất lượng tốt nhất như những năm qua.

Ngoài ra, với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank dự kiến nhận được một loạt ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã chấp thuận kế hoạch phát triển mạng lưới mở rộng mạng lưới, thành lập mới 14 chi nhánh, phòng giao dịch của Vietcombank.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm nếu đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Trong báo cáo phân tích về ngân hàng Vietcombank năm 2022, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhiều dự báo tích cực.

Cụ thể, theo VDSC, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của nhà băng này có thể đạt 15% nhờ hoạt động cho vay. Con số này cho năm 2023 là 15%. Tăng trưởng huy động dự phóng lần lượt ở mức 11% và 14,5% cho năm 2022-2023 nhờ lưu thông trong nền kinh tế tốt hơn khi các hoạt động kinh tế bùng nổ và việc tăng lãi suất huy động có khả năng bắt đầu từ nửa cuối năm 2022.

VDSC cũng dự đoán tổng thu nhập hoạt động năm 2022-2023 lần lượt đạt 64.629 tỷ đồng (tăng 14%) và 76.465 tỷ đồng (tăng 18%). NIM dự phóng được điều chỉnh tăng lên lần lượt ở mức 3,3% và 3,4% chủ yếu do tăng dự báo đối với tỉ lệ CASA và sự phục hồi nhanh hơn của lợi suất cho vay bình quân.

Chất lượng tài sản Vietcombank được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức tốt. Tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng giai đoạn 2022-2023 được cho là sẽ giảm do kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của khách hàng doanh nghiệp, vốn chiếm hơn 90% các khoản cho vay được tái cơ cấu vào năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt, lần lượt ở mức 0,7% và 0,9% trong giai đoạn 2022-2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp