Vietcombank vẫn là ‘quán quân’ về lợi nhuận ngành, vốn hóa cán mốc 20 tỷ USD

NGÂN HÀNG Việt nAM
11:52 - 30/01/2022
Vietcombank tiếp tục là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp niêm yết có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng.
Vietcombank tiếp tục là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp niêm yết có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 Vietcombank (VCB) tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành ngân hàng với lãi trước thuế hợp nhất gần 27.400 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, vốn hóa VCB đạt hơn 420.000 tỷ đồng, bỏ xa doanh nghiệp đứng thứ hai là Vingroup.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021. Tổng thu nhập năm qua của VCB đạt gần 56.900 tỷ đồng, tăng 16%. Trong đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 4.378 tỷ đồng (tăng 12%), lãi từ mua bán chứng khoán đạt 189 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ chỉ năm ngoái chỉ 2 tỷ), lãi từ hoạt động khác tăng mạnh 33% lên 2.393 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 12% đạt 7.407 tỷ đồng.

Tuy nhiên đây là năm thứ 2 liên tiếp Vietcombank ghi nhận thu từ dịch vụ thanh toán sụt giảm: Năm 2019 là 6.199 tỷ đồng, năm 2020 là 6.017 tỷ đồng và năm 2021 là 5.984 tỷ đồng. Việc ngân hàng áp dụng các gói miễn phí dịch vụ 2 năm qua có thể là nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Ngoài ra, thu nhập góp vốn cũng sụt giảm 72% xuống 130 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của ngân hàng ở mức 17.574 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập (CIR) được cải thiện, giảm từ 32,69% năm 2020 xuống còn 30,89% năm 2021. Đáng chú ý, Vietcombank tăng cường trích lập dự phòng lên 11.760 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.

Kết quả, năm 2021, Vietcombank lãi trước thuế hợp nhất gần 27.400 tỷ, tăng trưởng 19% so với năm trước. Như vậy, thành viên nhóm “big 4” vẫn là "quán quân" về lợi nhuận hợp nhất trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên nếu xét về ngân hàng mẹ thì Vietcombank đạt lợi nhuận 26.456 tỷ đồng, đứng sau VPBank (hơn 38.000 tỷ đồng) do VPBank ghi nhận khoản thu đột biến từ bán vốn FE Credit.

Sau năm 2020 đi ngang, Vietcombank đã có tăng trưởng lợi nhuận trở lại trong năm 2021.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, Vietcombank có tổng tài sản đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt 1,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng hơn 60.000 tỷ, lên 367.149 tỷ đồng. Tỷ trọng của tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt khoảng 35,7%.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% so với đầu năm, lên 960.750 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 6.121 tỷ đồng, tăng nhẹ từ 0,62% hồi đầu năm lên 0,64% do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lên 966 tỷ đồng (tương đương tăng 332%).

Hiện nay với mỗi 100 đồng nợ xấu, Vietcombank đang dự phòng rủi ro lên tới 424 đồng. Tổng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của ngân hàng hiện là 25.975 tỷ đồng đồng.

Ngoài vị trí "quán quân" về lợi nhuận hợp nhất trong hệ thống ngân hàng, Vietcombank còn đứng đầu trong nhóm các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán khi vừa cán mốc 20 tỷ USD.

Phiên giao dịch 28/1, cổ phiếu VCB có giá 89.000 đồng/cp, tương đương tăng 25% so với hồi đầu năm 2021. Với 4,73 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, vốn hóa Vietcombank đã lên 420.970 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD), bỏ xa doanh nghiệp đứng thứ 2 là Vingroup, khoảng 354.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021, cổ phiếu VCB ghi nhận một đợt tăng mạnh vào hồi tháng 6 và tháng 7, từ vùng 76.000 đồng lên 92.000 đồng. Tuy nhiên sau đó, mã đi xuống cùng đà suy giảm của nhóm ngành, có phiên tụt xuống 73.000 đồng. Tuy nhiên sang đầu năm 2022, VCB có sự hồi phục tốt, thậm chí lập đỉnh mới là 95.800 đồng.

Sự hồi phục của VCB nói riêng và nhóm cổ phiêu ngân hàng nói chung được giới phân tích cho là diễn biến tất yếu của dòng tiền khi tháo chạy khỏi nhóm bất động sản và xây dựng. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng được đánh giá là có triển vọng lớn trong năm 2022, nhất là những bank đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu.

Tin liên quan

Đọc tiếp