UNDP ước tính có 54 quốc gia nằm trong danh sách các nước có khả năng vỡ nợ. Ảnh: The Century Foundation |
Guardian dẫn lời ông Achim Steiner ngày 10/11 cho biết, khủng hoảng năng lượng, lãi suất và lạm phát tăng cao đang khiến ngày càng nhiều quốc gia có nguy cơ vỡ nợ và dẫn đến những tác động tai hại đối với người dân của họ.
Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner. Ảnh: Reuters |
“Hiện nay có 54 quốc gia nằm trong danh sách (các nước có khả năng vỡ nợ). Nếu chúng ta nhận thêm nhiều cú sốc như lãi suất tăng, việc vay nợ trở nên đắt đỏ, giá năng lượng, giá thực phẩm tăng, điều này sẽ khiến một số nền kinh tế không thể tránh khỏi viễn cảnh không có khả năng thanh toán”, ông nói.
“Một kịch bản thảm khốc sẽ có thể xảy ra. Hãy nhìn vào Sri Lanka (quốc gia đã rơi vào xung đột dân sự), với tất cả tác động xã hội, kinh tế và chính trị xuất phát từ tình trạng vỡ nợ”, ông cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị COP27, ông Achim Steiner nhận định rằng tình trạng vỡ nợ sẽ tạo ra nhiều vấn đề cản trở việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. “Nó chắc chắn sẽ không giúp ích cho các hành động về khí hậu”, ông nói.
Quan chức này cảnh báo nếu không có các biện pháp giúp các nước nghèo trả nợ, họ sẽ không thể đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
“Nợ đang trở thành một vấn đề lớn đối với rất nhiều nền kinh tế đang phát triển, đến nỗi việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ trở thành điều kiện tiên quyết để thực sự đẩy nhanh hành động vì khí hậu”, ông giải thích. "Chúng ta cần có các gói thanh khoản có mục tiêu để giúp các nước nghèo có thể đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng và thích ứng với các tác động của thời tiết khắc nghiệt".
Ông cảnh báo một số quốc gia này có nguy cơ từ bỏ các cuộc đàm phán về khí hậu, nếu chính phủ các nước phát triển không thực hiện được cam kết từ lâu là hỗ trợ 100 tỷ USD/năm để giúp họ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt.
Ông Achim Steiner cũng dự đoán rằng sẽ không có giải pháp cuối cùng tại COP27 về cách thức hoạt động của một cơ chế tài trợ cho tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cũng cho biết các cuộc đàm phán hiện đang gần đi đến nửa chặng đường tại hội nghị này có thể sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể.
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tổ chức tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6 - 18/11. Sự kiện có sự tham dự của các đại biểu từ gần 200 quốc gia, với kỳ vọng tìm ra các giải pháp hạn chế những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, trong khuôn khổ hội nghị kéo dài 13 ngày, COP27 phải đặt nền móng cho các hành động về khí hậu “nhanh hơn, táo bạo hơn ngay bây giờ và trong thập kỷ quan trọng này”, vì điều đó có thể quyết định sự thắng bại của cuộc chiến khí hậu toàn cầu.