Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 7 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 7 huyện của 7 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 12.424 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch giảm 36,36%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm hơn 9,89%. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 chưa qua 21 ngày.
Về bệnh dại trên người, Việt Nam có 44 người tử vong do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố. Về bệnh dại trên động vật, từ đầu năm đến nay có 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố, tổng số chó, mèo tiêu huỷ là 395 con. Hiện nay, có 19 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch dại trên động vật tăng 24,24%.
Về bệnh lở mồm long móng, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước phát sinh 44 ổ dịch lở mồm long móng tuýp O tại 25 huyện của 13 tỉnh. Số gia súc mắc bệnh là 1.421 con, số gia súc tiêu hủy là 123 con; số ổ dịch tăng 2,09 lần, số gia súc mắc bệnh tăng 2,18 lần.
Việt Nam đã xảy ra 468 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con lợn. Dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nhập lậu con giống là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi... Mặt khác, hệ thống thú y cơ sở một số nơi lại "lỏng lẻo", chưa kiểm soát tốt khâu vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp tục nhấn mạnh vai trò chống buôn lậu gia súc, gia cầm và giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ giữa các địa phương.
Là địa phương chịu nặng nề về dịch tả lợn châu Phi thời gian qua (với gần 90% số xã trên địa bàn tỉnh có dịch), ông Nông Quang Nhất – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc bùng phát dịch một phần do trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên không kiểm soát hết dịch, người dân có lợn mắc dịch nhưng không khai báo.
Trong khi đó, lực lượng thú y trên địa bàn còn mỏng, có huyện số lượng biên chế của trung tâm dịch vụ nông nghiệp chỉ ở mức 8 – 9 người. Cùng với địa bàn rộng, việc kiểm soát dịch bệnh càng khó.
Về phía Cục Thú y, theo Cục trưởng Nguyễn Văn Long, nguyên nhân gây ra tình trạng dịch bệnh trên là do nhiều địa phương chủ quan, người dân lơ là, không phòng chống dịch tốt để khi dịch xảy ra không kịp kiểm soát. Bên cạnh đó, việc triển khai tiêm vaccine cũng chưa tốt, tình trạng đấu thầu, mua sắm hóa chất và vaccine còn nan giải; lực lượng thú y còn yếu và thiếu...
Bàn về giải pháp, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: “Dù có giải pháp toàn diện đến mấy mà không tổ chức đồng bộ cấp xã, cấp huyện thì cũng vô phương”.
Cục trưởng Nguyễn Văn Long thông tin về các nguyên nhân gây ra tình trạng dịch bệnh thời gian qua. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cũng đề nghị, cần có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để các đơn vị cùng triển khai, xây dựng giải pháp cơ sở chính sách để có thể đồng bộ giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để tổ chức tuyên truyền cho người dân. Mỗi địa phương cần có ban phòng chống dịch. Khi dịch bệnh xảy ra, lãnh đạo tỉnh phải có báo cáo với tỉnh ủy để chủ động kiểm soát tình hình.
Kiến nghị nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024
Trong các tháng cuối năm 2024, để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, Cục Thú y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.
Trong đó, tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y…
Các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại... Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, vùng cần an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu.
Các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vaccine thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới…