Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến |
Trao đổi với phóng viên về kết quả 5 tháng đầu năm 2024 của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua chịu tác động chung của khó khăn từ nền kinh tế thế giới và trong nước, biến đổi khí hậu, dù vậy vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.
5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu chung của ngành đạt 24,14 tỷ USD. Trong đó, nông sản đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước (YoY); lâm sản đạt 6,58 tỷ USD, tăng 22,7% YoY; thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,6% YoY; chăn nuôi đạt 199 triệu USD, tăng 5,6% YoY.
Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,14 tỷ USD, tăng 23,6% YoY; cà phê đạt 2,9 tỷ USD, tăng 44,1% YoY; gạo đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38,2% YoY; điều đạt 1,55 tỷ USD, tăng 19,3% YoY; rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% YoY; tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7,5% YoY.
Về giá xuất khẩu trung bình, gạo ghi nhận tăng 20,5% YoY, lên mức 638 USD/tấn; cà phê tăng 49,9% YoY, đạt 3.482 USD/tấn; cao su đạt 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu đạt 4.308 USD/tấn, tăng 0,3% YoY…
Mục tiêu giữ vững lượng xuất khẩu gạo kỷ lục của năm 2023
Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, đây là mức xuất khẩu kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Năm 2024, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lượng gạo bằng hoặc vượt năm 2023. “Năm nay thế giới thiếu hụt sản lượng gạo rất sớm, đây là thời cơ để nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Thứ trưởng cũng cho biết, mặc dù diện tích lúa của Việt Nam giảm, còn 7,12 triệu ha, tuy nhiên sản lượng gạo xuất khẩu gạo vẫn đảm bảo nhờ giống lúa mới, năng suất và chất lượng cao. Hết 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng lúa vẫn đạt 17,84 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thời gian tới tình hình trồng lúa có thể bị ảnh hưởng về xâm nhập mặn, dù vậy trên cơ sở đánh giá thực trạng, Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp thực tiễn, duy trì sản lượng và xuất khẩu trên 8 triệu tấn.
Đối với giá sàn xuất khẩu gạo, Bộ NN&PTN sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để tìm ra giải pháp.
Tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo và rau quả những tháng cuối năm 2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất đưa giá sàn vào trong xuất khẩu gạo, điều này có nghĩa giá xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp không được thấp hơn mức giá sàn chung áp dụng cho cả thị trường. VFA kỳ vọng việc áp giá sàn sẽ ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị gạo của Việt Nam.
Bàn nhiều hơn về tình hình xâm nhập mặn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành nông nghiệp đã có dự báo chính xác từ Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Cùng với dự báo, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các tỉnh về thời điểm xuống giống, quy trình chăm sóc và khắc phục hạn mặn như thế nào.
“Trước bối cảnh khó khăn, thách thức, Bộ NN&PTNT có sự chủ động, điều hành phối hợp với địa phương để có một năm được mùa được giá, đúng theo quá trình chuyển đổi từ chuỗi ngành hàng sang chuỗi giá trị và tích hợp đa giá trị vào sản xuất,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Quy hoạch thủy sản mở ra không gian mới phát triển
Nói về thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch rất quan trọng, mở ra không gian mới cho ngành thủy sản. Nếu việc thực hiện các mục tiêu của quy hoạch không tốt thì nguồn lợi thủy sản sẽ đối mặt với nguy cơ cạn kiệt, hệ sinh thái không bao giờ phục hồi và sẽ phải dành chi phí rất lớn để phục hồi.
Do đó, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch được hoàn thiện và trình sớm Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý nghĩa quan trọng.
Theo dự thảo Kế hoạch, mục đích nhằm triển khai có hiệu quả Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án ưu tiên triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xây dựng kế hoạch tăng quy mô, diện tích các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực.
Dự thảo Kế hoạch cũng bao gồm mục đích xây dựng kế hoạch điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển; đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản.
Liên quan đến vấn đề khai thác, nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tại Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, đến năm 2030 khai thác thủy sản chỉ ở mức 2,8 triệu tấn, thủy sản nuôi trồng đạt 850.000 tấn, tuy nhiên ngành nông nghiệp có thể hoàn thành trước một năm với lượng dự kiến hơn 850.000 tấn thủy sản nuôi trồng vào năm 2024.
“Với xu thế phát triển nuôi biển như vậy, tác động thêm phần hạ tầng, bảo tồn, tăng nuôi trồng thì nuôi biển của Việt Nam sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra,” theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Nói về tình hình chăn nuôi, theo Thứ trưởng, tính đến cuối tháng 5/2024, nguồn cung ổn định, giá sản phẩm hiện tăng có lợi cho người chăn nuôi.
Hiện nay đàn lợn của Việt Nam ở mức 28,6 triệu con, tăng 3,8%, một năm tiêu thụ 50 – 54 triệu con. Trong khi đó, đàn gia cầm có quy mô 558 triệu con, tăng 3,3%, giết mổ 2 tỷ con mỗi năm. Đà tăng của đàn đang cho thấy tốc độ tăng trưởng và sự phục hồi của thị trường.
Thời gian qua, Bộ NN&PTN đã chỉ đạo 3 giải pháp lớn để bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời hướng xuất khẩu. Cụ thể, tập trung chống buôn lậu gia cầm ở phía Bắc, lợn ở phía Nam; tập trung rà soát nhập khẩu sản phẩm động, thực vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.