MWG đã lấy được thêm thị phần nhờ chiến lược giá cạnh tranh?

MWG Thế giới Di động
18:23 - 15/05/2023
Doanh thu chuỗi điện thoại, điện máy của MWG ghi nhận tăng trưởng nhờ chiến lược giá cạnh tranh.
Doanh thu chuỗi điện thoại, điện máy của MWG ghi nhận tăng trưởng nhờ chiến lược giá cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Sau tuyên bố “khiến đối thủ phải rên xiết” với chiến lược cạnh tranh giá của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, Thế giới Di động đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh ở mảng điện máy.

Cập nhật tại cuộc họp với nhà đầu tư về kết quả kinh doanh quý 1/2023 tổ chức cuối tuần trước, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho biết, doanh thu sơ bộ của công ty trong tháng 4 vừa qua là 9.700 tỷ đồng, tăng 20% so với tháng 3.

Trong đó, hai chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) tăng trưởng 30%, Bách Hóa Xanh (BHX) tăng trưởng 3%.

MWG cho biết, doanh thu của công ty đã quay trở lại mức của tháng 12/2022 và dự kiến tiếp tục giữ được kết quả này trong tháng 5.

Doanh thu tăng trưởng nhưng MWG không công bố mức lợi nhuận mang về. Còn trong quý 1/2023, công ty chỉ mang về vỏn vẹn 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 99% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành chưa đến 1% kế hoạch cả năm nay. Doanh thu của MWG trong quý 1 cũng giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 27.105 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh quý 1, cổ đông MWG băn khoăn về khả năng hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm 2023 (doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với 2022; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.200 tỷ đồng, tăng 2%).

Các chỉ số tài chính của MWG tại thời điểm cuối quý 1/2023.

Các chỉ số tài chính của MWG tại thời điểm cuối quý 1/2023.

Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT MWG cho biết: Năm nay sức mua yếu nên công ty tập trung “chiến đấu” cho mảng điện thoại và điện máy để gia tăng doanh thu, thị phần. Với chiến lược giá cạnh tranh, ông Tài kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu. Tất nhiên, chiến lược này sẽ làm tỷ suất lợi nhuận giảm.

“Nếu tình hình vĩ mô tốt trong 6 tháng cuối năm thì MWG sẽ về đích cả doanh thu và lợi nhuận, ngược lại thì chỉ về đích doanh thu”, ông Tài cho biết.

Chủ tịch MWG đánh giá, những gì khó khăn nhất đối với ngành bán lẻ đã diễn ra trong quý 1. Từ tháng 4, thị trường đã hồi phục nhưng khá chậm chạp, có thể mất vài năm. Ông Tài khẳng định, MWG khó có khả năng lỗ trong quý 2.

CEO Đoàn Văn Hiểu Em của chuỗi TGDĐ/ĐMX nhận định, quý 2 đối với ngành bán lẻ điện máy cũng không mấy khả quan, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm nay vì đây là mặt hàng lúc này là xa xỉ trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên tình hình kinh doanh quý 2 của hai chuỗi TGDĐ và ĐMX đã khởi sắc hơn nhờ bước vào thời điểm mùa máy lạnh, các hãng ra sản phẩm mới.

Ông Hiểu Em cho biết, hai chuỗi điện máy đã áp dụng chiến lược giá cạnh tranh từ đầu tháng 4 và đã đạt được tăng trưởng nhất định. Trong tháng 5, doanh thu của hai chuỗi này cũng sẽ tăng trưởng ít nhất 20% so với tháng 4. “Theo logic là thị trường thời điểm này không tăng, nhưng TGDĐ và ĐMX vẫn tăng trưởng doanh thu, chứng tỏ thị phần đã tăng”, ông Hiểu Em chia sẻ.

CEO của TGDĐ/ĐMX khẳng định, chiến lược giá cạnh tranh là lâu dài chứ không phải ngắn hạn như chương trình khuyến mại. Trong quá khứ, MWG đã xây dựng được dịch vụ vượt trội. Ưu điểm này sẽ được giữ vững, cộng thêm chiến lược giá cạnh tranh sẽ tạo thành sự kết hợp hoàn hảo để giữ chân khách hàng.

“Chúng tôi không có chủ ý phá giá thị trường, phá giá từ hãng, nhưng cũng không chấp nhận một nhà bán lẻ nào đó bán rẻ hơn”, ông Hiểu Em nói.

Theo vị CEO này, việc thực hiện chiến lược giá cạnh tranh sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, công ty vẫn đang kiểm soát mọi thứ, đánh giá tác động đến lợi nhuận ở mức độ nào.

CEO Đoàn Văn Hiểu Em.

CEO Đoàn Văn Hiểu Em.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài cho biết: Doanh thu là mấu chốt của lợi nhuận. Chi phí vận hành một shop điện thoại, điện máy của MWG dưới 10% doanh thu. Khi doanh thu tăng lên, chi phí vận hành từ 8-9% có thể giảm xuống 6-7%. Vì vậy theo ông Tài, khi doanh thu tăng, cho dù có lời ít đi trên một sản phẩm thì vẫn hiệu quả. Còn doanh thu giảm, cho dù có tăng biên lợi nhuận từ 18% lên 20% cũng vô nghĩa.

“Chúng tôi không quan tâm đến nhiều đến tỷ lệ % mà quan tâm đến lãi gộp tuyệt đối. Tháng này chúng ta đang có lãi gộp 2.000 tỷ đồng số tuyệt đối thì tháng sau có lên được 2.200 tỷ đồng hay không, hay là xuống 1.800 tỷ? Chúng tôi mong muốn bán được nhiều với lãi gộp lớn, chứ không phải tỷ lệ % lớn”, ông Tài nói.

Chủ tịch MWG cũng khẳng định, chiến lược giá cạnh tranh không phải là hướng đi cho riêng năm 2023 khó khăn mà là hướng đi lâu dài để công ty phục vụ nhóm khách hàng yêu thích TGDĐ/ĐMX nhưng trước đây e ngại về giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp