Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Anthony Blinken. Ảnh: Reuters |
Cuối ngày 24/4 sau một chuyến tàu từ Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chính thức tới thăm Ukraine như một động thái bày tỏ sự ủng hộ của phương Tây. Tại thủ đô Kiev, các quan chức hàng đầu của Mỹ đã gặp Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky nhằm bàn luận thêm về tình hình chiến sự cũng như các gói viện trợ của Washington.
Theo Reuters, nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết buổi gặp mặt đã kéo dài 3 tiếng – dài gấp đôi so với khung thời gian quy định. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Ukraine cũng đã lên một danh sách bao gồm các vũ khí mà nước này cần để chống lại các lực lượng vũ trang Nga. Trả lời hãng tin NBC News, phụ tá tổng thống Zelensky, ông Igor Zhovkva cho biết Ukraine đang cần nhiều hỗ trợ quân sự của Mỹ về hệ thống chống tên lửa, hệ thống phòng không, xe bọc thép và cả xe tăng.
Đáp lại mong muốn này từ phía Ukraine, Mỹ cũng đã cam kết một gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 713 triệu USD cho Ukraine cùng các quốc gia khác trong khu vực được cho là “đang lo lắng về các hành động của Nga”. Đồng minh thân thiết của Mỹ là Anh cũng đã hứa sẽ gửi nhiều phương tiện quân sự cho Ukraine.
Chuyến thăm cấp cao của Mỹ tới Kiev được cho là đánh dấu một sự thay đổi mang tính chiến lược trong cuộc xung đột đã kéo dài 3 tháng giữa Nga và Ukraine. Đồng thời, sự kiện này cũng thể hiện việc Ukraine đang nhận được sự hỗ trợ lớn về mặt trang bị từ phương Tây. Mặt khác, chuyến thăm này cũng thể hiện cuộc sống đã phần nào trở lại bình thường ở thủ đô Kiev, khi Mỹ cùng nhiều quốc gia khác sẽ đưa các nhà ngoại giao của mình quay trở lại Ukraine làm việc.
Quang cảnh Mariupol và nhà máy thép Azovstal phía xa. Ảnh: Reuters |
Trước đó hôm 24/2, Nga chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt mà theo lời Tổng thống Vladimir Putin là nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Trước các cáo buộc tấn công vào các cơ sở dân sự từ phía Ukraine, quân đội Nga bác bỏ và khẳng định Kiev dàn dựng tất cả để phá hoại tiến triển của các cuộc hòa đàm.
Các nước phương Tây cũng đang áp dụng hàng loạt các biện pháp trừng phạt lên Nga và nền kinh tế nước này. Liên minh châu Âu chuẩn bị "các biện pháp trừng phạt thông minh" khác lên lĩnh vực năng lượng, cụ thể là các lệnh cấm vận lên nhập khẩu dầu mỏ với Nga. Dù vậy, khí đốt vẫn là một vấn đề gây nhiều chia rẽ trong nội bộ khối EU khi Ủy ban châu Âu hôm 23/4 đã đồng ý cho các công ty trong khu vực thanh toán cho Nga bằng đồng nội tệ Ruble.
Các diễn biến mới nhất của chiến sự cho thấy lực lượng quân đội Ukraine vẫn đang kẹt lại phía trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Sau tuyên bố chiến thắng của Tổng thống Putin tại thành phố cảng này, việc công phá hoàn toàn nhà máy đã bị gác lại và phía Nga tiếp tục phong tỏa khu vực và ra các yêu cầu đầu hàng.
Hôm 24/4, Ukraine đã đề xuất một vòng đàm phán "đặc biệt" với Nga ngay tại Mariupol, tuy nhiên vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ Moscow. Trong khi đó, ông Serhiy Volyna, chỉ huy lực lượng lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine ở Mariupol, cho biết tình hình bên trong nhà máy Azovstal đang rất “nguy cấp”.