Người phát ngôn NATO Oana Lungescu. Ảnh: Reuters |
"NATO rất cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi nào về quan điểm hạt nhân của Nga – điều khiến chúng tôi phải điều chỉnh quan điểm của mình", người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết trong một tuyên bố, theo CNN.
Đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Putin rằng động thái của Moscow tại Belarus cũng giống như việc Mỹ triển khai vũ khí ở châu Âu, bà cho rằng: "Việc Nga đề cập đến tình trạng chia sẻ hạt nhân của NATO là hoàn toàn sai lầm".
"Các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế. Còn Nga đã liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí, gần đây nhất là việc đình chỉ tham gia Hiệp ước New START", người phát ngôn cáo buộc. "Nga phải tuân thủ trở lại và hành động một cách thiện chí".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Getty Images |
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 thông báo, Moscow sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này tại Belarus sớm nhất là vào mùa hè năm nay, đồng thời chuyển giao cho Minsk hệ thống Iskander nổi tiếng và có thể mang vũ khí hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, ông khẳng định động thái này không bất thường, không vi phạm nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 26/3 lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Moscow tại Belarus và kêu gọi cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết động thái này. Trong đó, Kiev kêu gọi Belarus "ngăn chặn việc thực hiện ý định triển khai vũ khí hạt nhân" của Nga, cho rằng điều này là "vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)".
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết đang mong chờ các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần "có trách nhiệm đặc biệt trong việc ngăn chặn các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân" của Moscow.
Ukraine cũng đồng thời kêu gọi nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo chính quyền Belarus về "hậu quả lâu dài" của nước này nếu tiếp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Mỹ đưa ra các tuyên bố thận trọng trước thông báo của Tổng thống Nga. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 26/3 cho biết Washington sẽ "theo dõi và xem xét điều này sẽ dẫn đến động thái gì".
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã nắm được thông tin của phía Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. "Chúng tôi không thấy lý do nào để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của chúng tôi hay dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết với việc phòng thủ tập thể của liên minh NATO", bộ này nhấn mạnh.
Tại châu Âu, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên tiếng phản đối tuyên bố của người đứng đầu Điện Kremlin.
"Việc Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với hành động leo thang vô trách nhiệm và đe dọa an ninh châu Âu. Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều này vì đó là sự lựa chọn của họ", quan chức này cho biết trên Twitter. "EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo".
Tổng thống Nga Putin hôm 25/3 nói rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, cũng như đề cập đến các mối đe dọa đối với Belarus từ vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tại các nước Liên minh châu Âu (EU).
Hồi tháng 10/2022, ông Lukashenko đã lưu ý đến các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được đặt ở Ba Lan, nước có chung biên giới với Belarus. "Minsk cần thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết mối đe dọa này", ông Lukashenko tuyên bố vào thời điểm đó, đồng thời cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với Moscow.
Trong khi đó, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí như một phần trong các đề xuất an ninh, nhưng Mỹ và NATO từ chối.