Nga có nhiều cách né lệnh cấm SWIFT

thanh toán NGA
12:44 - 10/03/2022
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Do các hành động quân sự của Nga tại Ukraine, phương Tây đã tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có cấm Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Tuy nhiên, nước này cũng đang có những giải pháp thay thế để lách lệnh cấm này.

Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) là một hệ thống được dùng để hỗ trợ các khoản thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng cho các ngân hàng. Người gửi các tin nhắn bảo mật của SWIFT có thể tin tưởng rằng họ sẽ được bảo vệ vì người nhận phải chịu trách nhiệm pháp lý theo hợp đồng nếu họ không phản hồi.

Nga đã trở thành một trong những nước sử dụng hệ thống này nhiều nhất trên thế giới với hơn 300 ngân hàng Nga sử dụng hệ thống này làm phương thức giao tiếp chính với các ngân hàng trong nước và quốc tế. Từ năm 2015, nước này cũng có ghế trong hội đồng quản trị SWIFT.

Trên lý thuyết, Nga có thể cố gắng thay thế hệ thống SWIFT để giữ cho quá trình trao đổi thương mại quốc tế của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất kỳ giải pháp thay thế nào cũng sẽ tạo ra chi phí và rủi ro đáng kể cho các doanh nghiệp Nga. Hơn nữa, các chuyên gia nhận định tác động trong ngắn hạn đối với Nga sẽ là giảm khối lượng xuất nhập khẩu.

Một nền tảng do chính Nga phát triển

Các ngân hàng Nga có thể chuyển sang hệ thống do ngân hàng trung ương Nga phát triển - Hệ thống chuyển Tin nhắn Tài chính (SPFS). Năm ngoái, ngân hàng trung ương quốc gia này cho biết lưu lượng truy cập liên ngân hàng trong nước có thể dễ dàng được chuyển sang nền tảng này.

Tuy nhiên hệ thống “tương tự như SWIFT”, theo cách mà ngân hàng trung ương gọi, có những hạn chế nhất định. Đầu tiên, hệ thống này chỉ hoạt động trong giờ hành chính của các ngày trong tuần trong khi SWIFT hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, các tin nhắn của SPFS có giới hạn về dung lượng, do đó khả năng xử lý các giao dịch phức tạp của nó sẽ yếu hơn SWIFT.

Hệ thống SPFS cũng thiếu kết nối quốc tế. Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley, hiện tại các dịch vụ quốc tế của SPFS mới chỉ giới hạn ở các quốc gia như Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Kazakhstan.

Về mặt lý thuyết, các ngân hàng Nga có thể sử dụng hệ thống SPFS để gửi các khoản thanh toán quốc tế đến một ngân hàng được kết nối ở một trong những quốc gia thuộc mạng lưới của mình. Theo Alistair Milne, Giáo sư Kinh tế Tài chính tại Đại học Loughborough, ngân hàng này sau đó có thể sử dụng SWIFT để đưa hướng dẫn vào hệ thống ngân hàng quốc tế.

Tuy nhiên sự gia tăng đột biến số lượng các giao dịch thông qua một con đường như vậy chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý quốc tế. Vì vậy, các ngân hàng không phải đối tác của Nga sẽ tránh sử dụng hình thức này.

Giáo sư Markos Zachariadis tại Đại học Manchester, tác giả của một cuốn sách về SWIFT, nhận định ngay cả khi các cơ quan quản lý không đưa ra bất cứ hành động nào, các ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với viễn cảnh bị tẩy chay bởi các ngân hàng phương Tây. Trong bối cảnh Nga đang phải chịu các biện pháp trừng phạt toàn diện, các ngân hàng phương Tây đang rất cảnh giác với việc tham gia vào bất cứ hoạt động nào được coi là phá hoại các lệnh trừng phạt.

CIPS vẫn phụ thuộc vào SWIFT nên sử dụng hệ thống thanh toán của Trung Quốc cũng có thể coi là vi phạm lệnh cấm. Ảnh: Reuters

CIPS vẫn phụ thuộc vào SWIFT nên sử dụng hệ thống thanh toán của Trung Quốc cũng có thể coi là vi phạm lệnh cấm. Ảnh: Reuters

Hệ thống CIPS của Trung Quốc

Một cách khác mà Nga có thể sử dụng để tránh lệnh trừng phạt chính là kết nối với nền tảng thanh toán CIPS của Trung Quốc. Tuy nhiên, một hạn chế ở đây chính là nền tảng này chỉ có thể sử dụng đồng NDT để thanh toán.

Theo các chuyên gia tại Morgan Stanley, chỉ 1,9% các thanh toán quốc tế được thực hiện bằng đồng tiền pháp định của Trung Quốc. Tỉ lệ này đối với đồng USD lên tới 40% và vì vậy hạn chế hiệu quả của hệ thống CIPS dưới tư cách một phương pháp tài trợ hiệu quả cho thương mại xuyên biên giới.

Ngoài ra, bản thân CIPS cũng phụ thuộc vào mạng lưới SWIFT cho các hoạt động của mình. Cụ thể, những người tham gia CIP gián tiếp vẫn cần phải thông qua SWIFT để hoàn tất việc thanh toán nên việc sử dụng CIPS cũng có thể bị coi là vi phạm lệnh cấm SWIFT.

Hệ thống song phương được thiết kế riêng

Một giải pháp thay thế SWIFT phù hợp hơn cho các ngân hàng Nga sẽ là thiết lập các hệ thống song phương được xây dựng riêng bằng cách sử dụng điện thoại, fax hoặc ứng dụng nhắn tin với một đối tác ở nước ngoài. Đối tác này sẽ nhận thanh toán từ các nhà nhập khẩu hàng hóa của Nga và thanh toán cho các nhà xuất khẩu sang Nga.

Theo một cựu giám đốc SWIFT, hệ thống tương tự đã từng được tạo ra bởi Iran với một ngân hàng nước ngoài sau khi quốc gia này bị cắt khỏi mạng lưới SWIFT. Nếu hệ thống này được đưa vào hoạt động, quá trình sẽ yêu cầu một nhóm nhỏ nhân viên xử lý các khoản thanh toán trên cơ sở gửi 2 bản fax và thực hiện 2 cuộc điện thoại cho mỗi giao dịch.

Nhưng dù hiệu quả đến đâu, các hệ thống như thế này cũng dễ gặp lỗi và phải đối mặt với các thách thức về bảo mật. Hơn nữa, trong khi SWIFT được tích hợp trực tiếp vào hệ thống của ngân hàng, fax hoặc tin nhắn WhatsApp có thể sẽ yêu cầu chuyển dữ liệu thủ công và thiếu hiệu quả.

Các lỗi giao dịch và việc phải kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru sẽ khiến chi phí gia tăng và có thể khiến các giao dịch đắt tiền trở nên thiếu tính kinh tế hơn. Do đó, giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp