Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti ngày 30/5, khi được hỏi về triển vọng đẩy nhanh giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết:
“Chúng tôi chia sẻ lập trường với Trung Quốc rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột cần phải được giải quyết ngay từ đầu và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên cần phải được bảo vệ, mọi thỏa thuận phải dựa trên nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt”.
Ông nhấn mạnh rằng mọi cuộc đàm phán đều “phải tính đến tình hình trên thực địa, cũng như phản ánh nguyện vọng của người dân ở đó”, đồng thời đánh giá rằng hội nghị hòa bình nếu được Trung Quốc tổ chức sẽ “là sự tiếp các nỗ lực tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau khi Bắc Kinh đưa ra lập trường về cuộc chiến tại Ukraine vào tuần trước. Theo đó, Trung Quốc và Brazil ngày 23/5 đã ra tuyên bố chung gồm 6 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hai nước kêu gọi giảm leo thang trong cuộc chiến, tin rằng đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất để giải quyết cuộc xung đột. Bắc Kinh và Brasilia cũng khẳng định ủng hộ triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế vào thời điểm thích hợp được cả Nga và Ukraine công nhận, các bên được bình đẳng tham gia cuộc đàm phán và thảo luận công bằng về các kế hoạch hòa bình.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào mùa xuân năm 2022.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình đã đổ vỡ kể từ tháng 4/2022, sau khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.
Đến tháng 11/2022, Tổng thống Zelensky đã công bố “công thức hòa bình 10 điểm” của Ukraine. Trong đó, Kiev đưa ra các đề xuất hòa bình, bao gồm việc yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine, từ bỏ 4 vùng tuyên bố sáp nhập (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia), cũng như bán đảo Crimea (được sáp nhập vào Nga từ năm 2014).
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch hòa bình này, nhấn mạnh rằng những đề xuất từ Ukraine cần tính đến "tình hình thực tế" của liên quan đến lãnh thổ Nga (bao gồm các vùng được sáp nhập). Mặt khác, Moscow đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Kiev không có thái độ tương tự.
Ngày 2/5, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết Hội nghị thượng đỉnh "Hòa bình ở Ukraine" sẽ được nước này tổ chức từ ngày 15-16/6, với sự tham gia của hơn 160 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước G7, G20 và BRICS. Theo Bern, mục đích của hội nghị thượng đỉnh là phát triển sự hiểu biết chung về con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài.
Tuy nhiên, Thụy Sĩ nói rằng Nga chưa được mời tham dự hội nghị "trong giai đoạn này". Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẽ không tham gia hội nghị về Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 ở Thụy Sĩ, cũng như bất kỳ sự kiện nào khác về 'công thức hòa bình' theo sáng kiến của Tổng thống Ukraine.