Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ Thái Lan hôm 9/2, Ngân hàng Trung ương của quốc gia này quyết định giữ lãi suất ở mức 0,50%, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Cơ quan này cho biết: "Ủy ban cho rằng việc duy trì chính sách tiền tệ thích ứng có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và do đó đã bỏ phiếu để duy trì mức lãi suất chính sách hiện tại".
Quyết định này cũng phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Theo một cuộc khảo sát của Reuters, phần lớn các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra dự đoán Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ giữ lãi suất ổn định trong suốt năm nay.
Giá năng lượng và thịt cao hơn đã dẫn đến lạm phát gia tăng đột biến tại Thái Lan. Chỉ số giá tiêu dùng của Thái Lan trong tháng 1 đã tăng 3,23% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức tăng 2,17% của tháng 12 trước đó. Mức tăng này đã vượt qua giới hạn cao nhất của mục tiêu lạm phát 1% tới 3% của ngân hàng trung ương. Trong tháng 2 này, Bộ Thương mại dự kiến lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Do nhu cầu dầu sưởi tăng mạnh trong mùa đông ở Mỹ và châu Âu và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu, giá dầu thô toàn cầu đã nhảy vọt, đặc biệt là tại Thái Lan. Dù nhu cầu sưởi ấm tại phương Tây có thể giảm dần khi thời tiết ấm hơn, căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này đặt ra câu hỏi lớn đối với sự ổn định của giá dầu trong tương lai.
Trong khi đó, nguồn cung thịt lợn nội địa lại bị gián đoạn kéo dài do dịch tả lợn châu Phi và dẫn tới giá thịt lợn leo thang. Nguồn cung thịt lợn, một nguyên liệu chủ lực trong chế độ ăn uống của người Thái, dự kiến sẽ vẫn khan hiếm khi chính phủ cho biết có thể mất tới 1 năm để kiềm chế dịch bệnh.
Ngân hàng Trung ương nhận định lạm phát toàn phần năm 2022 sẽ cao hơn so với đánh giá trước đây và có thể vượt quá phạm vi đề ra vào khoảng thời gian đầu năm. Tuy nhiên, cơ quan này bổ sung tỷ lệ lạm phát trung bình cho cả năm 2022 và kỳ vọng lạm phát trung hạn sẽ vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu.
Ngân hàng Trung ương nhận định vẫn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá năng lượng toàn cầu và giá hàng hóa và dịch vụ trong nước cũng như áp lực tiền lương gia tăng. Điều này ám chỉ cơ quan này chỉ coi lạm phát do chi phí tăng là một rủi ro.
Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã cắt giảm số lượng các cuộc họp chính sách từ đầu năm nay. Do đó, Ủy ban chính sách tiền tệ hiện sẽ họp 6 lần một năm thay vì 8 lần như trước. Cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ngày 30/3.
Vào tháng 12, ngân hàng này cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế đạt mức 3,4% cho năm 2022. Dự báo này được tính toán dựa trên kỳ vọng quốc gia sẽ đón 5,6 triệu lượt du khách quốc tế. Trước đại dịch, 20% GDP của Thái Lan tới từ ngành du lịch và các ngành liên quan.
Thái Lan đã mở cửa cho du khách quốc tế tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh mà không cần cách ly từ tháng 11. Tuy nhiên, do sự bùng phát của biến thế Omicron, chính phủ buộc phải thắt chặt các quy định một lần nữa từ cuối tháng 12 đến tháng 1. Trong tháng 2 này, bong bóng du lịch không cần cách ly bắt buộc đã được mở trở lại.