Phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu nhựa
Theo báo cáo nghiên cứu của FiinResearch, hiện nay Việt Nam chỉ có thể cung ứng 15% nguyên liệu cho ngành nhựa trong nước, số lượng còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn nguyên liệu nhựa (tương ứng với trị giá hơn 11 tỷ USD). Trong đó, nhập khẩu thành phẩm và bán thành phẩm nhựa đạt khoảng 8 tỷ USD.
Hiện nay một số doanh nghiệp nhựa trong nước như Duy Tân, Tân Phú… cũng đang dần chú trọng vào nghiên cứu mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu thị trường. Điều này mang lại kỳ vọng sản phẩm của doanh nghiệp Việt sẽ dần thay thế các mặt hàng nhựa gia dụng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đi vào hoạt động được dự báo sẽ mang đến thêm 15% nguồn cung nguyên liệu cho ngành nhựa Việt Nam. Đây là dự án được SCG Thái Lan đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD, với quy mô đạt gần 400 ha đất với gần 70 ha đất có mặt nước và khoảng 194 ha mặt nước để làm cảng.
Sau khi hoàn thành, dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn có thể tạo ra 950.000 tấn ethylen, 400.000 tấn PP. 450.000 tấn HDPE và 500.000 tấn LDPE một năm.
Dù vậy, để Việt Nam có thể tự cung 50% nguyên liệu cho ngành nhựa là rất khó. “Ngành nhựa phát triển ngày càng nhanh, trong khi đó xây dựng nhà máy lại cần thời gian”, Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam bà Huỳnh Thị Mỹ chia sẻ tại hội thảo tham vấn “Báo cáo nghiên cứu về thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong chuỗi giá trị nhựa toàn cầu” mới đây.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là nhập khẩu nguyên liệu thành phẩm và bán thành phẩm chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI. “Thực tế, doanh nghiệp FDI thành lập tại Việt Nam nhưng lại không mua sản phẩm nhựa bán thành phẩm ở Việt Nam như bao bì đóng gói, màng, các linh kiện… Họ vẫn nhập khẩu từ chuỗi cung ứng trong mạng lưới của họ như từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…”, bà Mỹ chia sẻ.
Theo bà Mỹ, một số nhà máy sản xuất của doanh nghiệp FDI thậm chí còn cam kết ngầm sẽ xuất khẩu khoảng 50% sản lượng. Điều này đã tác động không nhỏ đến nguồn tự cung của Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI. Họ đã tận dụng điều này để xuất khẩu sang các thị trường trong mạng lưới của họ”, bà Mỹ phân tích thêm.
Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng, việc phụ thuộc quá lớn vào lượng nhập khẩu hạt nhựa sẽ khiến doanh nghiệp nhựa Việt Nam rơi vào thế bị động. Bởi giá nguyên liệu nhập khẩu chịu tác động từ giá dầu, giá nhựa, tỷ giá trên thế giới và vấn đề logistics.
Theo FiinResearch, doanh nghiệp sản xuất nhựa còn phải chịu áp lực lớn cả từ phía nhà cung cấp nguyên liệu và từ phía khách hàng do quyền thương lượng thấp trong chuỗi giá trị ngành. Mặt khác, ở phía đầu ra, bản chất doanh nghiệp của Việt Nam là B2B nên giá bị ép cả 2 đầu, giá đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 2.472.386 tấn chất dẻo nguyên liệu, tương đương 4,4 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là thị trường Hàn Quốc, đạt 633.154 tấn chất dẻo nguyên liệu. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, đạt 414.774 tấn… Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường này chủ yếu là nhựa PE và PP.
EVFTA đưa thuế suất xuất khẩu nhựa bằng 0
Trong khi đó, đánh giá về tiềm năng xuất khẩu nhựa của Việt Nam tại EU, báo cáo của FiinResearch cho thấy, đây là thị trường lớn với nhu cầu nhập khẩu nhựa khoảng 76 tỷ USD/năm. Tại EU, 3 nhà nhập khẩu nhựa lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Đức, Pháp, Hà Lan.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trị giá nhập khẩu nhựa toàn thế giới trong giai đoạn năm 2016 – 2020 đạt trung bình 616,8 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 2,71%/năm. Trong đó, EU chiếm khoảng 1/3 tổng trị giá nhập khẩu nhựa trên toàn thế giới.
Về cơ cấu xuất khẩu sang một số thị trường lớn tại EU, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu túi nhựa chiếm hơn 58% thị phần tổng tỷ trọng nhập khẩu của Đức, tiếp đến là các sản phẩm nhựa gia dụng chiếm 10,3%, vải bạt chiếm 8.7%... Trong 3 mặt hàng nhựa xuất khẩu lớn nhất, túi nhựa và sản phẩm nhựa gia dụng đều ghi nhận giảm so với năm 2020.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Lan, xuất khẩu tượng nhỏ, chậu hoa và các đồ trang trí khác đã tăng lên từ 15% thị phần lên mức 22% thị phần nhập khẩu nhựa Việt của thị trường Hà Lan. Sản phẩm túi nhựa chiếm 46,3%; vải bạt chiếm 11,1%...
Đặc biệt, với EVFTA, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhựa Việt. Theo bà Phùng Thị Lan Hương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO, VCCI cho biết, mặc dù các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu vào EU sẽ được hưởng mức thuế rất thấp. Nhưng riêng với mặt hàng nhựa, thị trường này lại áp thuế rất cao. Khi có FTA, doanh nghiệp nhựa sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc giảm thuế suất của mặt hàng này.
Trước khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang EU đang hưởng thuế GSP phổ biến là 3%, một số ít được hưởng thuế 0%. Sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Toàn bộ các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã được hưởng thuế 0%. Cơ chế này mang tính chất lâu dài, bền vững.
Phía Việt Nam còn có lợi thế hơn khi hiện nay ở khu vực ASEAN, chỉ có Singapore được hưởng ưu đãi thuế về mặt hàng nhựa khi xuất sang EU. Đối thủ lớn nhất của các nhựa Việt Nam tại EU là Trung Quốc hiện cũng không được hưởng GSP của EU và cũng chưa có FTA với thị trường này. Đây sẽ là lợi thế để các với doanh nghiệp tăng thị phần nhựa của mình tại EU.