Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 28/6. |
6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4% YoY; lâm sản chính đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% YoY; thuỷ sản đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9% YoY; sản phẩm chăn nuôi đạt 240 triệu USD, tăng 3,8% YoY. Riêng đầu vào sản xuất đạt 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối đạt 2,3 triệu USD, giảm 1,7% YoY.
Theo Bộ NN&PTNT, Bộ đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU); mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng cao.
Đóng góp vào kết quả kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên một tỷ USD. Cụ thể, cà phê mang về 3,22 tỷ USD, cao su đạt 1,1 tỷ USD, gạo đạt 2,98 tỷ USD, rau quả đạt 3,43 tỷ USD, hạt điều đạt 1,92 tỷ USD, tôm đạt 1,63 tỷ USD, sản phẩm gỗ đạt 4,99 tỷ USD.
Đáng chú ý, gạo tăng 10,4% YoY về lượng và 32% YoY về giá trị, hạt điều cũng tăng 24,9% YoY về lượng và 17,4% YoY về kim ngạch.
Riêng cà phê, tuy giảm về khối lượng (đạt 902.000 tấn, giảm 10,5% YoY), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% YoY nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 34,6% YoY.
Chứng chỉ Halal - giấy thông hành đặc biệt cho doanh nghiệp xuất khẩu
Về thị trường, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8% YoY; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% YoY và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5% YoY.
Thặng dư thương mại toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% YoY. Trong đó, 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất, gồm gỗ và sản phẩm gỗ 6,16 tỷ USD (tăng 22,5% YoY); cà phê 3,14 tỷ USD (tăng 36,2% YoY); rau quả 2,42 tỷ USD (tăng 35,3% YoY); gạo 2,31 tỷ USD (tăng 27% YoY); tôm 1,43 tỷ USD (tăng 13,3% YoY).
5 mặt hàng thâm hụt thương mại cao nhất, gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu 2,13 tỷ USD (tăng 17,5%); bông các loại 1,5 tỷ USD (tăng 9%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt 1,51 tỷ USD (tăng 7,2%); ngô 1,17 tỷ USD (giảm 2,2%); lúa mì 828 triệu USD (giảm 3,6%).
Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024 của ngành nông nghiệp, chia sẻ tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2024 sẽ đạt 54 tỷ USD, tăng trưởng trên dưới 3%. Riêng xuất khẩu gạo, nếu năm ngoái lượng gạo xuất khẩu đạt 8,13 triệu tấn với giá trị 4,65 tỷ USD thì năm nay con số có thể vượt”.
Kết quả nông nghiệp 6 tháng đầu năm
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% YoY; thu hoạch 3,48 triệu ha, tăng 0,5% YoY; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha
Các cây ăn quả chủ lực sản lượng cũng tăng, như sầu riêng 487.700 tấn, tăng 20,3% YoY; xoài 629.400 tấn, tăng 2,3% YoY; cam 519.400 tấn, tăng 2,4% YoY; quýt 65.900 tấn, tăng 2,2% YoY; nhãn 199.600 tấn, tăng 2,9% YoY. Một số cây ăn quả giảm sản lượng như vải 134.300 tấn, giảm 7,3% YoY; nho 14.600 tấn, giảm 7,6% YoY; thanh long 581.100 tấn, giảm 1,9% YoY; chôm chôm 186.000 tấn, giảm 1% YoY.
Về chăn nuôi, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Đàn lợn ước tăng 2,9% YoY; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1% YoY; đàn gia cầm ước tăng 2,3% YoY; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% YoY và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1% YoY. Đàn trâu ước giảm 3,9% YoY; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 62.100 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Đàn bò ước giảm 0,9% YoY; sản lượng thịt 255.900 tấn, tăng 1,1% YoY; sản lượng sữa 643.700 tấn, tăng 5,5% YoY.
Về lâm nghiệp, cả nước chuẩn bị 593 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung 125.500 ha, tăng 1,2% YoY; trồng phân tán 40,8 triệu cây, tăng 0,5 YoY. . Tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt 1.513,84 tỷ đồng (đạt 47,3% kế hoạch năm). Lũy kế đến nay diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 506.934 ha (vượt 1,39% so với mục tiêu đến năm 2025).
Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% YoY. Trong đó, khai thác 1,95 triệu tấn, tăng 1% YoY; nuôi trồng 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% YoY.