Một phụ nữ tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm lưu động ở Rosemead, bang California, Mỹ, hôm 29/11. Ảnh: AFP |
Điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ông Jeff Zient, cho biết số người đi tiêm mũi tăng cường vaccine đang đạt mức cao nhất kể từ khi nước này mở chiến dịch tiêm tăng cường vào tháng 9/2021.
"Trong tuần trước, chúng tôi ghi nhận gần 7 triệu người được tiêm mũi tăng cường, trung bình là 1 triệu liều/ngày. Đây là số người được tiêm mũi tăng cường mỗi ngày nhiều hơn bao giờ hết", ông Zient hồ hởi thông báo trong cuộc họp báo ngày 7/12 (giờ Mỹ).
Biển chỉ dẫn tiêm vaccine Covid-19 tại một trạm tiêm lưu động của New York. Ảnh: Reuters |
Tổng cộng đã có 12,5 triệu mũi vaccine được tiêm trên toàn nước Mỹ, đạt tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 5/2021, khi biến chủng Omicron lây lan trong cộng đồng ở nước này.
Khoảng 55% người trên 65 tuổi đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại và đã đi tiêm. Các cơ quan quản lý của Mỹ đã phê duyệt tiêm liều tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành hồi giữa tháng 11.
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy khoảng 47 triệu người ở Mỹ đã được tiêm mũi tăng cường, chiếm gần 1/4 tổng số người được tiêm chủng đầy đủ.
Mũi tăng cường là một phần quan trọng trong kế hoạch đối phó biến thể Omicron của Tổng thống Joe Biden. Nhà Trắng đang làm việc với chính quyền địa phương và các hiệu thuốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, theo ông Zient.
Gần 10 triệu người đã tiêm kể từ kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn (ngày 25/11), ngay sau khi Nam Phi báo cáo phát hiện biến chủng Omicron có số đột biến cao và khiến nhiều nước lo lắng.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết các tin tức về biến chủng Omicron cùng mong muốn được đoàn tụ với gia đình trong kỳ nghỉ đông và các thông điệp về sức khỏe cộng đồng đã thúc đẩy người Mỹ đi tiêm mũi tăng cường.
Các dữ liệu sơ bộ tại Mỹ cho thấy người mắc biến chủng Omicron ít nhập viện hơn và không gặp vấn đề về hô hấp so với các biến thể trước, theo chuyên gia hàng đầu Mỹ về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci.
Giới chức y tế các nước tin rằng các loại vaccine Covid-19 hiện tại có thể chống lại được biến thể Omicron. Hiện các hãng dược vẫn đang chạy đua để tìm hiểu về biến thể này để làm rõ liệu có cần điều chỉnh vaccine hiện có hay không.
Giám đốc Các trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, ông Michael Ryan, cho rằng biến thể Omicron "rất khó có khả năng" né tránh được hoàn toàn các loại vaccine hiện có.
Ông Ryan cũng nhận định rằng, với hàng chục đột biến, Omicron có thể khiến hiệu quả của vaccine kém đi nhưng sẽ không vô hiệu hoàn toàn.
"Khi bất kỳ biến chủng mới nào xuất hiện, nó sẽ có xu hướng dễ lây lan hơn bởi vì nó phải cạnh tranh với các biến chủng trước đó", ông Ryan giải thích trước câu hỏi liệu Omicron có dễ lây hơn biến thể Delta.
Hiện tại, 19 bang của Mỹ đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Omicron là biến chủng nCoV phát hiện đầu tiên tại Botswana hôm 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24/11. Dù WHO đã xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, tuy nhiên đến nay chưa có dữ liệu chính xác về mức độ lây lan hay độc lực của nó.
Omicron đã lây lan tới 47 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều quốc gia đã quyết định siết chặt kiểm soát biên giới, đặc biệt với các nước phía nam châu Phi, trong lúc chờ thêm dữ liệu về mức độ nguy hiểm của biến chủng này.