Một khoảng rừng tại Yên Bái. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Tại hội nghị, các địa phương đã nêu ra các vướng mắc trong việc phát triển, bảo vệ rừng thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thái Hà – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được coi là hành lang pháp lý để địa phương xây dựng cơ chế bảo vệ rừng, góp phần quan trọng vào phát triển ngành lâm nghiệp nói riêng và kinh tế, quốc phòng an ninh nói chung.
Đối với tỉnh Cao Bằng, hiện nay tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn là 54%, trong khi đó tổng diện tích đất quy hoạch cho nông nghiệp ở mức cao với tỷ lệ 78%, do đó diện tích đất trống còn nhiều. Ông Nguyễn Thái Hà cho rằng, cần có một cơ chế chính sách phủ xanh đất trống, vừa bảo vệ môi trường, vừa phòng chống thiên tai, bảo vệ an ninh quốc phòng đất nước.
Người đứng đầu Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cũng nhấn mạnh, việc phát triển rừng cũng phải gắn với kinh tế, có kinh tế người dân mới gắn kết chặt chẽ với rừng.
Tuy nhiên, theo ông Hà, cơ chế chính sách trong việc trồng rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đơn cử đối với Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2016, mức hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất là 5 triệu đồng/ha, trong khi trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 30 triệu đồng/ha.
Mặt khác, tổng diện tích rừng giữa Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đang thấp hơn khoảng 17.000 ha so với Quy hoạch tỉnh Cao Bằng. Do đó, ông Hà đề nghị cần có quy định phù hợp giữa các số liệu này.
Trả lời thắc mắc của địa phương, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, Nghị định 58 ban hành vào tháng 5/2024 đã thay thế một số điều khoản tại Quyết định 38. Cụ thể, Nghị định 58 quy định mức hỗ trợ rừng sản xuất là 15 triệu đồng/ha từ ngân sách Nhà nước. Dù vậy, con số này chỉ là mức bình quân, nhiều tỉnh đã trình HĐND ban hành nghị quyết riêng, mức hỗ trợ có thể lên tới 20 đến 30 triệu đồng/ha.
Đối với rừng đặc dụng, phòng hộ, mức hỗ trợ không chỉ dừng lại ở 30 triệu đồng/ha. Theo định mức kinh tế kỹ thuật phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư định mức trồng rừng, nhiều địa phương trên cơ sở định mức của Bộ đã ban hành đơn giá cụ thể trồng rừng đặc dụng, phòng hộ. Trong đó rừng đặc dụng, phòng hộ bình quân 150 triệu đồng/ha. Với diện tích trồng rừng đặc dụng, phòng hộ cao hơn, chi phí hỗ trợ tại một số địa phương có thể lên tới 300 – 400 triệu đồng, thậm chí lên 500 triệu đồng, tùy theo địa hình, phân cấp.
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Liên quan đến sự chênh lệch diện tích rừng tại Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, ông Trần Quang Bảo thông tin, cả hai quy hoạch này đều sẽ phải tuân thủ theo Quyết định 326 về chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, các địa phương cũng đưa ra các kiến nghị trong việc thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho rằng cần có các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra kế hoạch phát triển tại địa phương, ví dụ các tỉnh phát triển ở ngưỡng trung bình thì có kế hoạch sâu hơn, có sự hỗ trợ từ phía trung ương trong việc phát triển rừng.
Trong khi đó, về phía tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Thuận – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, đơn giá hỗ trợ trồng rừng thay thế của địa phương hiện là 230 triệu đồng/ha. Hiện nay kinh phí của tỉnh Thanh Hóa lên đến gần 250 tỷ đồng, nhưng đất để trồng rừng đặc dụng, phòng hộ của tỉnh lại không còn nhiều.
Chi phí hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn lại chỉ ở mức 15 triệu đồng/ha, phần lớn đất giao cho hộ gia đình trong khi ràng buộc quy định 10 năm mới được khai thác nên người dân không “mặn mà”. Do đó, ông Thuận cho rằng, nên tăng đơn giá hoặc ban hành chính sách từ phía địa phương để tạo sức hấp dẫn trong việc trồng rừng gỗ lớn.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia với 7 nhóm giải pháp và 9 lĩnh vực ưu tiên
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành tại Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024.
Đối tượng quy hoạch là đất lâm nghiệp (gồm đất có rừng, đất chưa có rừng được quy hoạch để phát triển rừng), các công trình kết cấu hạ tầng lâm nghiệp như hệ thống vườn ươm, đường vận chuyển lâm sản, các công trình phục vụ bảo vệ rừng như trạm bảo vệ rừng, chòi canh, đường băng cản lửa.
Mục tiêu cụ thể là đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.
Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2021 – 2025 thu khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026 – 2030 thu khoảng 4.000 tỷ đồng/ năm.
Quy hoạch cũng nêu rõ 7 nhóm giải pháp và 9 lĩnh vực Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Bao gồm, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp. Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong trồng rừng sản xuất. Sản xuất giống cây rừng chất lượng cao.
Các mô hình hợp tác, liên kết trong bảo vệ và phát triển rừng tại những vùng đặc biệt khó khăn. Các hoạt động bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển cộng đồng phát triển sinh kế và cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường...