Phúc Long được ‘nhào nặn’ ra sao sau khi về tay Masan

Phúc Long MASAN
06:30 - 03/02/2023
Phúc Long có nhiều thay đổi về chiến lược kinh doanh sau khi về tay Masan.
Phúc Long có nhiều thay đổi về chiến lược kinh doanh sau khi về tay Masan.
0:00 / 0:00
0:00
Masan cho biết các cửa hàng 'flagship' sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với các cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA là trên 35%, cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới.

Trong báo cáo kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN), lĩnh vực kinh doanh đồ uống với thương hiệu Phúc Long (CTCP Phúc Long Heritage) đóng góp 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả chủ yếu nhờ các 'cửa hàng flagship' (thuật ngữ để gọi cửa hàng lớn nhất và hiện đại nhất trong chuỗi bán lẻ, được thiết kế và bày biện sang trọng) hoạt động hiệu quả.

Trong năm 2022, Phúc Long đã khai trương 44 cửa hàng flagship. Dù là năm đầu tiên hoạt động nhưng các cửa hàng này đã mang lại biên lợi nhuận EBITDA (biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) cấp cửa hàng là 26%.

Song song đó, Phúc Long cũng đã đóng các kiosk hoạt động kém hiệu quả. Việc đóng cửa các kiosk khiến Phúc Long tốn 42 tỷ đồng chi phí. Ban điều hành đang tiến hành đánh giá toàn diện trong quý 1/2023 nhằm xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi tiếp tục nhân rộng.

Tính đến cuối năm 2022, Phúc Long có 132 cửa hàng flagship, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác. Với vị trí số 2 về doanh thu và số 1 về tỷ suất lợi nhuận trong ngành, Phúc Long kỳ vọng sẽ trở thành công ty số 2 về số lượng cửa hàng vào quý 2/2023.

Trên thị trường F&B hiện tại, các thương hiệu lớn đang là đối thủ trực tiếp của Phúc Long có thể kể đến như Highlands Coffee, Trung Nguyên, The Coffee House... Trong đó, Highlands Coffee nhiều năm vẫn dẫn đầu về quy mô với khoảng 500 cửa hàng.

Năm 2023, Masan dự kiến Phúc Long sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.

Trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, một tỷ lệ được cho là cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới.

Một nhân tố khác giúp thúc đẩy doanh thu là Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, đồng thời đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm.

Để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2024/2025, Masan còn tiết lộ CEO mới của Phúc Long sẽ là người có bề dày kinh nghiệm trong mảng nhượng quyền thương hiệu quốc tế, sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm nay.

Từ cơ sở trên, Masan có tham vọng đưa Phúc Long trở thành công ty trà và cà phê số 1 tại Việt Nam trong vòng vài năm tới, hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế.

'Mát tay' M&A

Masan nhắm đến Phúc Long từ đầu năm 2021 khi thương hiệu đồ uống này được tích hợp vào các siêu thị VinMart (hiện đã đổi tên thành WinMart). Sau đó không lâu (tháng 5/2021), tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chính thức đầu tư vào hãng trà với khoản 15 triệu USD, đổi lấy 20% vốn cổ phần. Từ đây, định giá của công ty sản xuất và vận hành chuỗi trà – cà phê tương ứng 75 triệu USD.

Đầu năm 2022, Masan chính thức thâu tóm thành công Phúc Long với việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. “Ông lớn” ngành bán lẻ đã phải bỏ thêm 110 triệu USD cho 31% cổ phần; tương ứng định giá vốn cổ phần Phúc Long là 355 triệu USD, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2022, Masan tiếp tục chi hơn 3.600 tỷ đồng để mua 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của CTCP Phúc Long Heritage, qua đó nâng sở hữu tại Phúc Long lên 85%.

Trước Phúc Long, Masan đã rất “mát tay” với các thương vụ M&A, qua đó mở rộng hệ sinh thái kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hàng thiết yếu, như VinaCafe Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Nước khoáng Quảng Ninh, Bột giặt NET, Thực phẩm dinh dưỡng Sài Gòn… Đình đám nhất là chuỗi siêu thị Vinmart do VinCommerce của Vingroup phát triển.

Cuối năm 2019, Masan công bố sáp nhập VinCommerce vào một công ty thành viên của mình là Masan Consumer. Sau đó, The CrownX được thành lập với nhiệm vụ tái cấu trúc và chuẩn bị cho lộ trình phát triển mới của VinCommerce và Masan Consumer (MCH). Từ đầu năm 2022, VinCommerce đổi tên thành WinCommerce (WCM) và hệ thống Vinmart, Vinmart+ cũng đổi tên thành Winmart, Winmart+.

Với mô hình bán lẻ mini-mall, đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với hệ sinh thái tích hợp VinMart+, Techcombank, kiosk Phúc Long, dược phẩm Phano và mạng di động Reddi; chiến lược của The CrownX đã chứng minh hiệu quả khi quý 3/2021, lần đầu tiên VinCommerce đạt lợi nhuận thuần sau thuế dương, sau 7 quý được Masan mua lại.

Năm 2022, WCM đã mở mới 730 cửa hàng WinMart+, nâng tổng số WinMart+ lên 3.268 cửa hàng. Mặc dù có số lượng cửa hàng mới mở đáng kể nhưng WCM vẫn duy trì lợi nhuận bằng cách liên tục cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 22,2% trong quý 1/2022 lên 24% trong quý 4/2022. 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động.

Tin liên quan

Đọc tiếp