Masan chấp nhận mua đắt Phúc Long tương tự ThaiBev thâu tóm Sabeco

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:24 - 13/02/2022
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long.
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ sau nửa năm, Masan đã định giá Phúc Long tăng gấp 5 lần lên 355 triệu USD. Mức định giá này tương ứng P/E foward 250x, trong khi so sánh chỉ số này của công ty sữa thị phần số 1 Việt Nam là Vinamilk cũng chỉ ở mức 15x.

Đầu năm 2021, Masan bắt đầu nhắm đến Phúc Long bằng việc tích hợp 2 quầy hàng đồ uống này bên trong chuỗi siêu thị WinMart (đổi tên từ Vinmart mua của Vingroup). Không lâu sau đó, Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chính thức công bố mua lại 20% cổ phần Phúc Long với mức giá 15 triệu USD (340 tỷ đồng), tương đương với việc định giá công ty là 75 triệu USD.

Tháng 1/2022, Masan tiếp tục mua 31% cổ phần Phúc Long với giá 110 triệu USD (2.500 tỷ đồng). Như vậy chỉ sau 6 tháng, Masan đã định giá Phúc Long cao gấp 4,7 lần, tương đương 355 triệu USD.

Theo AFA Research & Education (tổ chức nghiên cứu và đào tạo tài chính), với một công ty trong ngành giải khát trung bình thì P/E (giá cổ phiếu chia cho lợi nhuận mỗi năm) là 25-30x. Nhưng với định giá trên, P/E của Phúc Long lên tới 250 lần. Vậy câu hỏi đặt ra là hãng trà lâu đời của Việt Nam thực sự đáng giá hay Masan đang trả giả quá đắt?

Trả lời câu hỏi này, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education, cho rằng đầu tiên cần phần biệt việc mua cổ phiếu theo thị giá niêm yết trên sàn với việc mua kiểm soát một doanh nghiệp. Không thể mang mức giá giao dịch trên sàn so với mức giá mua kiểm soát một doanh nghiệp có thương hiệu tốt như Phúc Long.

Ông Long lý giải, khi mua kiểm soát một doanh nghiệp như Masan thâu tóm Phúc Long, bên mua sẽ phải trả một mức giá cao hơn giá trị định giá của doanh nghiệp bị/được mua. Phần giá trả cao hơn này gọi là phần bù kiểm soát (Control Premium), tức là trả cho quyền kiểm soát một doanh nghiệp có thương hiệu lâu đời và nhiều tài sản vô hình không được ghi nhận trên báo cáo tài chính.

Thứ hai là với Masan, việc xây dựng một thương hiệu chuỗi trà, cafe như Phúc Long để tích hợp vào chiến lược Point of Life (POL) trong chuỗi hàng tiêu dùng của mình có thể mất trên 10 năm. Nên để có lợi thế về thời gian trong hoàn thiện hệ sinh thái, việc mua lại công ty như Phúc Long là chiến lược hợp lý.

Hơn nữa, Masan thực hiện chiến dịch thâu tóm này theo hai bước. Bước một mang tính thử nghiệm, mua 20%, tích hợp sản phẩm vào chuỗi Winmart xem khả năng cộng hưởng như thế nào. Bước hai là mua kiểm soát trên 50% vốn.

Theo ông Long, câu chuyện này không mới. ThaiBev đã trả 5 tỷ USD cho 51% cổ phần để kiểm soát Sabeco với giá 320.000 đồng/cp. Sau đó giá SAB giảm còn quanh 230.000 đồng. Khi đó, nhiều người cho rằng ThaiBev mua đắt.

“Nhưng người Thái không nghĩ thế, họ mua kiểm soát một công ty có thị phần Top 2 của một quốc gia gần 100 triệu dân, có mức độ tiêu thụ bia lớn. Sau này nếu muốn, ThaiBev có thể IPO mảng Beverage để kiếm về nhiều tiền hơn”, ông Long cho biết. Thực tế sau khi thâu tóm không lâu, ThaiBev đã thay toàn bộ ban điều hành Sabeco.

Và cuối cùng, điều quan trọng là ThaiBev hay Masan có thể làm đó là tạo giá trị cộng hưởng (Synergy) cho công ty được mua bằng cách đưa vào sản phẩm mới, hệ thống phân phối/bán lẻ rộng khắp, thay đổi quản trị công ty nhằm tăng hiệu quả kinh doanh… Tức là 1+1 bằng 3, 5, 10, thậm chí bằng cả trăm chứ không phải là 1+1=2.

Lịch sử thâu tóm của Masan đã cho thấy rõ điều này. Vinacafe Biên Hoà, Nước khoáng Vĩnh Hảo là những ví dụ điển hình. Những công ty này trước đó hoạt động khá trầm lắng. Nhưng khi về tay tập đoàn có nhiều lợi thế kinh doanh hàng tiêu dùng đều “cất cánh” bay cao. Có thể thấy, các công ty này đóng góp nguyên liệu, kinh nghiệm sản xuất, thương hiệu… nhưng Masan giúp họ đẩy mạnh phân phối và phát triển các sản phẩm mới.

Giá trị cộng hưởng hậu M&A giữa Masan và Vinacafe Biên Hòa.

Qua thương vụ M&A của Masan và Phúc Long, chuyên gia của AFA Research & Education cũng lưu ý đến tình trạng đẩy giá một công ty lên quá mức, đang có dấu hiệu phổ biến trong thời gian gần đây.

Ông Long cho biết, thực tế theo báo cáo tài chính năm 2021, rất nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận lợi nhuận tăng nhưng hoạt động kinh doanh chính không có gì, thậm chí âm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thay vào đó, lợi nhuận lại đến từ việc bán lại dự án cho các công ty mà… không ai biết tên.

Thực tế các giao dịch không có dòng tiền chảy mà chỉ đơn thuần là các dự án được mang đi góp vốn rồi đẩy giá trị lên, phần chênh lệch được ghi vào lợi nhuận tài chính hoặc lợi nhuận khác. Điểm khác biệt giữa các thương vụ M&A thật và ảo là tính chất thật của giao dịch, trao đổi có thực sự ngang giá hay không.

Vì vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về các công ty mua, bán chứ không nên chỉ dựa vào con số M&A được công bố.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong năm 2024, DGC sẽ nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (UPCoM: PAT) vào DGC.

Đức Giang muốn sáp nhập PAT

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Đức Giang – HoSE: DGC) ngày 2/3 công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Buổi họp sẽ diễn ra vào ngày 29/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Almaz , Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội.