Quảng Ngãi phân bổ vốn chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024

quảng ngãi dân tộc
13:06 - 27/11/2023
Quảng Ngãi phân bổ vốn chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024 tổng vốn đầu tư công mà tỉnh Quảng Ngãi dự kiến thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 328 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa gửi Tờ trình số 194/TTr-UBND đến HĐND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 do tỉnh quản lý đã giao để thực hiện Chương trình là 1.216,3 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương là 1.105,6 tỷ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng với 110,6 tỷ đồng.

Lũy kế vốn đã giao đến hết năm 2023 là 553,1 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương là 500,8 tỷ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng là 52,3 tỷ đồng.

Dự kiến dành 328 tỷ đồng để thực hiện Chương trình trong năm 2024

Về phương án phân bổ đầu tư công năm 2024, cơ quan chủ trì quản lý chương trình đã xây dựng phương án phân bổ vốn cho các dự án, tiểu dự án, nội dung theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của Chương trình. Tuy nhiên, trong phương án phân bổ vốn có một số nội dung chưa đủ điều kiện giao vốn, nên chưa thể phân bổ vốn chính thức trong đợt này.

Cụ thể, các dự án khởi công mới do sở ngành làm chủ đầu tư (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) chưa được cấp thẩm quyền quyết định đầu tư, 1 dự án hoàn thành đã hết nhiệm vụ chi, không có nhu cầu bố trí vốn năm 2024.

Đồng thời, dự kiến điều chỉnh kế hoạch trung hạn của các địa phương để đảm bảo mức vốn phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phù hợp với thực tế triển khai các Dự án tại các địa phương.

Vốn đối ứng ngân sách tỉnh thuộc Dự án 10 của Chương trình vượt kế hoạch trung hạn đã được cấp thẩm quyền giao.

Chính vì vậy, theo Tờ trình, để việc cân đối, đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật liên quan, UBND tỉnh dự kiến phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 thực hiện Chương trình là 328,5 tỷ đồng, gồm 298,3 tỷ đồng ngân sách trung ương và 30,1 tỷ đồng ngân sách tỉnh đối ứng. Trong đó, giao chi tiết kế hoạch vốn đợt này là 323,6 tỷ đồng; còn lại phân khai sau là 4,88 tỷ đồng.

Phương án phân bổ chi tiết bao gồm, Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sinh hoạt” với tổng kế hoạch, vốn dự kiến giao là 55,2 tỷ đồng. Dự án 2 “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” với tổng vốn là 45 tỷ đồng. Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (tiểu dự án 2 – nội dung 2) với tổng vốn dự kiến giao là 25,4 tỷ đồng.

Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc (tiểu dự án 1) với tổng vốn 144,3 tỷ đồng.

Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” (tiêu dự án 1) với tổng vốn là 27,8 tỷ đồng.

Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với tổng vốn dự kiến giao là 4,2 tỷ đồng. Dự án 10 “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình” (tiểu dự án 2) với vốn dự kiến là 21,2 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.