Quỹ ngoại PYN Elite có lãi tháng thứ 2 liên tiếp nhưng vẫn còn 'xa bờ'

PYN Elite CHỨNG KHOÁN
17:35 - 07/09/2022
Ông Petri Deryng - người đứng đầu quản lý quỹ PYN Elite.
Ông Petri Deryng - người đứng đầu quản lý quỹ PYN Elite.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù tháng 7 và tháng 8 đạt hiệu suất đầu tư dương liên tiếp nhưng tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, quỹ ngoại đến từ Phần Lan PYN Elite vẫn đang bị âm 17,8%.

Theo báo cáo kết quả hoạt động đầu tư tháng 8/2022 vừa được công bố, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ PYN Elite đã tăng 1,9% so với tháng 7, tương đương tăng 8,5 triệu Euro (gần 198 tỷ đồng), lên hơn 453 triệu Euro. Trong tháng 7, kết quả đầu tư của quỹ này cũng tăng 0,85%, sau 5 tháng thua lỗ liên tiếp (từ tháng 2 đến tháng 6). Tính từ đầu năm đến nay, quỹ đang âm 17,8%.

Mặc dù còn khá “xa bờ” và chưa thể chiến thắng được thị trường chung, PYN Elite Fund vẫn giữ góc nhìn lạc quan về danh mục đầu tư nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.

Theo PYN Elite, việc các ngân hàng đưa ra kế hoạch lạc quan cho cả năm 2022 trong các cuộc họp với nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng nới hạn mức tín dụng vào đầu tháng 9 và kiên quyết thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng ban đầu là 14% đã thúc đẩy dòng tiền nhà đầu tư hướng tới nhóm cổ phiếu ngân hàng với triển vọng tích cực.

Mặt khác, thông tin hỗ trợ nhóm bán lẻ tới từ việc Apple đang đàm phán để sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, trong khi Samsung có kế hoạch sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam và đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào năm 2022. Những khoản đầu tư như vậy có thể thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển chuỗi giá trị trong những năm tới.

Ngoài ra, Sở Giao Dịch Chứng khoán Việt Nam ra mắt và rút ngắn chu kỳ giao dịch về T+2, cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn sẽ thúc đẩy thanh khoản thị trường trong dài hạn.

Thêm nữa, thị trường còn được hỗ trợ tích cực bởi tình hình vĩ mô ổn định. Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ nhờ tiêu dùng nội địa. Điển hình như doanh số bán lẻ trong tháng 8 tăng 50,2% so với cùng kỳ từ mức cơ bản thấp; xuất khẩu tăng 22,1%.

Giải ngân vốn FDI trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 10,5% so với cùng kỳ, lên mức 12,8 tỷ USD. Đáng chú ý, dù kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát, con số trong tháng 8 chỉ tăng 2,89% so với cùng kỳ 2021.

Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite.

Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite.

PYN Elite Fund ước tính GDP quý 3 của Việt Nam sẽ tăng trưởng 13%, tích cực hơn nhiều so với mức giảm 6% trong quý 3 năm ngoái. Ngân hàng Thế giới, Moody's và một số công ty môi giới cũng đã điều chỉnh nâng dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7,5-8,5%, cho thấy triển vọng tươi sáng của kinh tế.

Thời điểm cuối tháng 8, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của PYN Elite, trong đó nổi bật như CTG của VietinBank, TPB của TPBank, MBB của MBBank hay HDB của HDBank. Ngoài cổ phiếu đơn lẻ như VEA, top 10 danh mục của quỹ còn có nhiều cổ phiếu bất động sản (VHM, VRE, KDH), dịch vụ hàng không (ACV, SCS).

Về luận điểm đầu tư thời gian tới, PYN Elite đặt kỳ vọng vào TPB. Đây là nhà băng tiên phong trong kỹ thuật số từ trước khi dịch vụ này này trở nên phổ biến. Các khoản đầu tư ban đầu của TPB đã cho kết quả khi ngân hàng ghi nhận 1,5 triệu khách hàng mới trong nửa đầu năm, xếp hạng cao thứ 2 về lượng khách hàng mới.

Tổng số khách hàng đã vượt qua 6 triệu với 70% dưới 40 tuổi. Tổng số lượt tải xuống ứng dụng của TPB trong 6 tháng đầu năm xếp hạng 6 trong số tất cả các ngân hàng, chỉ sau MB Bank và 4 ngân hàng quốc doanh lớn.

Sự tăng trưởng người dùng nhanh chóng đã giúp duy trì lượng tiền gửi CASA của TPB ổn định trong quý 2/2022, trong khi nhiều ngân hàng đã co lại trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt.

So với mức tăng 6,15% của VN-Index trong tháng 8 thì hiệu suất đầu tư của PYN Elite khá khiêm tốn. Thực tế, rất nhiều các tổ chức lớn trên thị trường như DCVFM VNDiamond ETF, Lion Global Vietnam Fund, VEIL Dragon Capital và DCDS... đã chiến thắng VN-Index.

Mức tăng ấn tượng hơn 7% của Diamond ETF có đóng góp lớn đến từ sự trở lại của MWG – cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục (16,8%). Trước đó, chính cổ phiếu này đã giảm mạnh khiến Diamond ETF đứng "đội sổ" về hiệu suất đầu tư trong tháng 7.

Trong khi đó, với việc sớm ở trạng thái "full" cổ phiếu từ đầu tháng 8, VEIL Dragon Capital cũng hưởng lợi lớn từ nhịp hồi phục của thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp