REE - Câu chuyện cổ phiếu đầu tiên trên sàn sau 22 năm vẫn hoàng kim

REE Cơ Điện Lạnh
15:20 - 30/05/2022
Cổ phiếu REE tăng bền vững thời gian qua bất chấp thị trường xuống dốc.
Cổ phiếu REE tăng bền vững thời gian qua bất chấp thị trường xuống dốc.
0:00 / 0:00
0:00
Trong ngày giao dịch đầu tiên cách đây 22 năm, cổ phiếu REE của CTCP Cơ Điện Lạnh chỉ giao dịch ở mức hơn 2.000 đồng. Sau nhiều thăng trầm, REE đang vươn lên mức kỷ lục 91.000 đồng/cp, đúng thời điểm thị trường chứng khoán trong giai đoạn điều chỉnh tiêu cực.

Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn với nhiều đợt giảm sâu. Hầu hết các cổ phiếu đều bị giảm giá, thậm chí không ít mã “bốc hơi” 50-80% giá trị. Tuy nhiên REE của CTCP Cơ Điện Lạnh lại đi ngược xu hướng chung, tăng vọt từ vùng giá 60.000 đồng lên 91.000 đồng/cp. Mức tăng 30% tuy không phải là “khủng” nhưng đó cũng là con số ấn tượng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán gặp nhiều biến động suốt thời gian qua.

Cùng với SAM của CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (nay là CTCP SAM Holdings), REE chính là một trong hai mã cổ phiếu giao dịch đầu tiên sau khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM (nay là Sở GDCK TP HCM) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/7/2000. Cùng với diễn biến giá cổ phiếu, REE có sự thay đổi lớn cả về quy mô vốn điều lệ, tổng tài sản và vốn hóa trên thị trường.

REE tiền thân là Xí nghiệp Cơ điện lạnh, được thành lập năm 1977. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh làm Phó giám đốc rồi Giám đốc REE từ năm 1982. Năm 1993, công ty cổ phần hóa, bà Thanh đảm nhận cả hai vị trí Chủ tịch HĐQT và CEO. Đến tháng 7/2020, bà Mai Thanh mới chuyển giao vị trí Tổng giám đốc cho ông Huỳnh Thanh Hải.

Tại REE, gia đình bà Mai Thanh hiện là cổ đông lớn nhất. Trong đó bà Mai Thanh nắm giữ 10,61% vốn điều lệ, tương ứng hơn 37,7 triệu cổ phiếu. Với mức giá 91.000 đồng/cp, lượng cổ phiếu nữ chủ tịch này nắm giữ trị giá lên tới 3.430 tỷ đồng, giúp bà củng cố vững chắc vị trí thứ 58 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị tài sản của cá nhân bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã tăng thêm hơn 1.100 tỷ đồng.

Ngoài bà Thanh, ông Nguyễn Ngọc Hải (chồng bà Thanh) hiện cũng sở hữu 16,91 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 1.500 tỷ đồng; bà Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh (con gái bà Thanh) sở hữu 4,094 triệu cổ phiếu, trị giá gần 400 tỷ đồng; ông Nguyễn Ngọc Thái Bình (con trai bà Thanh) sở hữu 6,057 triệu cổ phiếu, trị giá gần 550 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh

Bà Mai Thanh từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng, đối với doanh nghiệp cổ phần chưa niêm yết, áp lực của người lãnh đạo đối với các cổ đông là hiệu quả kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận và cổ tức..., hiệu quả kinh doanh năm sau phải cao hơn năm trước.

Nhưng đối với doanh nghiệp đã niêm yết, lãnh đạo còn chịu thêm áp lực về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mà giá cả cổ phiếu không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh.

Công ty niêm yết phải công khai, minh bạch gần như toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý, cổ đông và các phương tiện thông tin đại chúng. Mọi thông tin về doanh nghiệp đều được phản ánh một cách nhanh nhất vào giá trị công ty thông qua việc giá cổ phiếu tăng hay giảm.

Đổi lại, công ty niêm yết như REE cũng được nhiều thứ như cổ phiếu REE nằm trong Top 10 về thanh khoản, cổ đông đã thực sự là chủ công ty. Nhiều cổ đông đầu tư lâu dài ở REE trở nên giàu có và công ty cũng được nhiều người biết đến và được tin cậy. Đặc biệt, công ty đã 4 lần phát hành cổ phiếu thành công, huy động lượng vốn không nhỏ phục vụ cho đầu tư phát triển lâu dài.

Lợi nhuận từ chục tỷ lên nghìn tỷ đồng

Thực tế, dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh trong hơn 20 năm qua, REE từ một xí nghiệp quốc doanh đã trở thành tập đoàn đa ngành với vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng, kinh doanh 4 lĩnh vực chính gồm cơ điện lạnh, năng lượng điện, nước sạch, bất động sản. Năm 2000, năm đầu tiên niêm yết trên sàn, REE ghi nhận 225 tỷ đồng doanh thu và 30,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây là kết quả khả quan so với các doanh nghiệp thời đó.

Hơn 20 năm sau, mức lợi nhuận của REE đã tăng gấp hơn 60 lần, lên con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2021, REE đạt 5.810 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 3% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 24,6% lên mức 2.135 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.855 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lần lượt là 9.247 tỷ đồng và 2.061 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, REE ghi nhận doanh thu thuần 2.045 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 955,3 tỷ đồng, tăng gấp hai lần thực hiện quý 1/2021, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 693,3 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng tăng rõ rệt từ 1.345 đồng lên 2.236 đồng.

Không chỉ thu hút bởi kết quả kinh doanh, cổ phiếu REE còn hấp dẫn nhà đầu tư bởi lịch sử trả cổ tức đều đặn bằng tiền từ khi lên sàn tới nay. Từ năm 2011-2019, mức cổ tức trung bình là 1.600 đồng/cp. Năm 2020, REE không chia cổ tức để dồn tiền cho M&A dự án trong các lĩnh vực bất động sản, điện và nước. Năm 2021, mức cổ tức đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua là 25%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Mô hình tập đoàn đa ngành

Hiện, REE hoạt động theo mô hình tập đoàn, đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng, bất động sản và kinh doanh nước sạch, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là cơ điện lạnh và máy điều hoà không khí. Lĩnh vực năng lượng có REE Energy đang đầu tư vào các nhà máy, dự án thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, điện năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt 3.951 MW (tổng công suất điện tương ứng tỷ lệ REE đang sở hữu là 1.000 MW).

Lĩnh vực nước sạch có REE Water đầu tư vào lĩnh vực phân phối với tổng công suất sản xuất 1,2 triệu m3/ngày. Trong đó, tổng công suất sản xuất tương ứng tỷ lệ REE đang sở hữu là 450.000 m3/ngày.

Còn tại lĩnh vực văn phòng cho thuê và bất động sản, REE Land hiện đang là đơn vị phát triển các dự án bất động sản của tập đoàn; hiện vận hành các toà nhà văn phòng cho thuê với tổng diện tích 150.000m2 và sẽ tăng lên 200.000m2 khi E.Town6 chính thức đi vào hoạt động.

Trong khi đó, trong lĩnh vực kinh doanh "nguyên thủy" của mình, REE vẫn đang là nhà thầu cơ điện, nhà thầu EPC cho các dự án năng lượng, đồng thời là nhà phân phối máy điều hoà không khí nhãn hiệu Reetech và Fujitsu.

Tại thời điểm cuối quý 1/2022, REE có 31 công ty con và 18 công ty liên kết trải dài trên cả 4 lĩnh vực kinh doanh chính, điển hình như Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn, Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Thác Bà 2, Thuỷ điện Miền Trung, Thuỷ điện Sông Ba Hạ, Thuỷ điện Thác Mơ, Công ty Nước sạch Sông Đà, Cấp nước Gia Định, Cấp nước Nhà Bè, Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Thác Bà 2, Thuỷ điện Miền Trung…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.