Tăng cường trồng rừng bán dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon. |
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ) và Ngân hàng thế giới (World Bank) với tư cách là cơ quan được Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp (FCPF) ủy thác.
Với Thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho FCPF với tổng số tiền là 51,5 triệu USD.
Trên cơ sở ký kết giữa Bộ NN&PTNT và World Bank, để điều phối và phân chia nguồn tương ứng, UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ phân phối sẽ chỉ đạo các chủ rừng, các bên liên quan tham gia thực hiện Thỏa thuận theo các điều khoản ràng buộc. Các tỉnh thực hiện gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Vào thời điểm ký kết, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam nhận định, đây là khoản chi trả dựa trên kết quả thực tế. Các chỉ tiêu cơ bản làm cơ sở cho việc này đó là phải giảm được khí nhà kính tại khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk ký kết thỏa thuận, ngày 22/10/2020. Ảnh: TTXVN. "Để ký được thỏa thuận này, Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu rất cao về kỹ thuật như: năng lực đo lường, báo cáo về lượng phát thải theo chuẩn mực quốc tế, cũng như khả năng phân phối, chi trả các khoản cho các đối tượng được hưởng lợi ở các địa phương, bà Carolyn Turk đánh giá".
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam
Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam được thực hiện nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng.
Khu vực Bắc Trung Bộ được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế - xã hội. Toàn khu vực có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu ha; trong đó 80% là đồi núi, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của khu vực trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.
Từ đó đến nay Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, đã góp ý kiến nhiều lần.
Diện tích rừng tự nhiên dãy Trường Sơn của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ rất cần nguồn kinh phí từ thỏa thuận này để tăng cường cho các chủ rừng quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, giảm áp lực phá rừng.
Tuy nhiên, từ khi ký kết đến nay đã gần 2 năm nhưng người dân địa phương gần rừng và các chủ rừng chưa được hưởng nguồn kinh phí này. Nhiều diện tích rừng không có nguồn kinh phí để bảo vệ do vậy nguy cơ phá rừng luôn ở mức cao.
Giải thích về vấn đề, hiện chưa có quy định pháp lý để chi trả nguồn kinh phí bán tín chỉ CO2 này, trong lúc người dân và các chủ rừng đang rất cần kinh phí này để bảo vệ rừng, Bộ NN&PTNT cho biết, ngay sau khi Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký kết, Bộ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA và gửi xin ý kiến của các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu Tư, Tư Pháp, Tài nguyên và Môi trường; UBND 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và World Bank.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, World Bank và báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định trình Chính phủ xem xét ban hành tại Tờ trình số 2076/TTr-BNN-TCLN ngày 6/4/2022.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp thu giải trình, bổ sung một số nội dung để trình Chính phủ xem xét ban hành.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, trong đó có nội dung về chi trả dịch vụ "Hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh" (viết tắt là dịch vụ carbon rừng), là một trong năm loại dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Khoản 3, Điều 61 của Luật Lâm nghiệp, hiện nay đang xin ý kiến góp ý rộng rãi của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, dự kiến trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định vào quý IV/2022.