Trẻ em chơi đùa tại đài phun nước ở Quảng trường Gwanghwamun, Seoul khi nhiệt độ tăng cao. Ảnh: Yonhap |
Theo hãng tin AFP, nhiệt độ buổi đêm tại Seoul đã vượt mức 25 độ C trong 26 ngày liên tiếp, đánh dấu chuỗi đêm nhiệt đới dài nhất kể từ khi quốc gia này tiến hành công tác quan sát khí hậu vào năm 1907. Giám đốc Bộ phận Dự báo Khí tượng của Seoul, Youn Ki-han, cho biết: “Không khí lạnh không tràn xuống từ phía bắc trong khi chúng tôi chịu ảnh ảnh hưởng bởi không khí nóng ở phía tây nam, vậy nên nhiệt độ liên tục ghi nhận ở mức 25 độ C hoặc cao hơn”.
Trong những ngày tới, Văn phòng Đo lường của Seoul đưa ra dự báo nắng nóng gay gắt ở thủ đô dự kiến sẽ còn tiếp tục cho đến tuần sau, kéo dài chuỗi kỷ lục hiện tại. Ngoài Seoul, một số khu vực khác của Hàn Quốc cũng ghi nhận tình hình tương tự. Thành phố lớn thứ hai tại quốc gia này là Busan tính tới ngày 16/8 đã ghi nhận đêm nhiệt đới thứ 22 liên tiếp – chuỗi đêm nhiệt đới dài nhất kể từ năm 1904 tại khu vực này.
Việc hiện tượng đêm nhiệt đới kéo dài như hiện tại được các chuyên gia đánh giá là tương đối bất thường. Ông Youn Ki-han nhận định: “Thông thường vào khoảng thời gian này, nhiệt độ giảm vào buổi sáng và buổi tối do không khí lạnh từ phía Tây Bắc tràn xuống và áp suất cao ở Bắc Thái Bình Dương giảm, nhưng hiện tại chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc này”.
Theo Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), số ngày có nhiệt độ lên tới 35 độ C ở các thành phố thủ đô lớn nhất thế giới đã tăng 52% trong 30 năm qua. Chỉ riêng trong năm 2018, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã trải qua 21 ngày nhiệt độ trên 35 độ C - nhiều hơn 10 năm trước đó cộng lại.
Hàn Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang trải qua một mùa hè nắng nóng gay gắt trong năm 2024 và tình hình được dự đoán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Tháng 7 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo về một “đại dịch nắng nóng cực độ” và kêu gọi hành động nhằm hạn chế tác động của các đợt nắng nóng tăng cường do biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạt động khí hậu ở Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ hành động tích cực hơn nữa. AFP dẫn lời ông Youn Se-jong, một luật sư môi trường, cho biết: “Không có khả năng tình hình sẽ tốt hơn mà ngược lại, mọi chuyện chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Việc tăng cường mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, do đó, được ông nhấn mạnh “phải trở thành ưu tiên hàng đầu”.
Hàn Quốc hiện có tỷ lệ năng lượng tái tạo thấp nhất trong cơ cấu năng lượng trong số tất cả các nước OECD. Quốc gia này cũng đồng thời là nước phát thải carbon từ than bình quân đầu người cao thứ 2 trong nhóm G-20, theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember.