Lạm phát Singapore trong tháng 4 duy trì tốc độ so với mức 2,7% ghi nhận tháng trước. Ảnh: The Business Times |
Theo The Business Times, dự báo lạm phát chính thức của Singapore vẫn không thay đổi. Tuy nhiên những số liệu mới nhất đã khiến một số nhà kinh tế khu vực tư nhân hạ mức dự báo lạm phát chung cho cả năm.
Trong tháng 4/2024, lạm phát chung và lạm phát cơ bản của quốc đảo Sư tử (không bao gồm chi phí nhà ở và phương tiện cá nhân) tương ứng 2,7% và 3,1% - cùng mức với tháng trước. Các chỉ số này phù hợp với dự báo trung bình trong cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế khu vực tư nhân của Bloomberg.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cùng Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) nước này cho biết, mặc dù chi phí phương tiện cá nhân gia tăng, nhưng lạm phát nhà ở lại được giảm bớt.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 0,1% trong tháng 4, trong khi CPI cơ bản tăng 0,4% so với tháng trước.
MAS và MTI duy trì dự báo lạm phát năm 2024 trong khoảng 2,5 đến 3,5% cho cả lạm phát chung và cơ bản. Tuy nhiên, nếu loại bỏ tác động tạm thời từ việc tăng thuế hàng hoá và dịch vụ, con số lạm phát dự kiến sẽ thấp hơn, ở mức 1,5 đến 2,5%.
Ngược lại, một số chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo lạm phát năm nay. Cụ thể, ông Jester Koh của UOB đã cắt giảm dự báo lạm phát chung xuống còn 2,8%, so với 3% trước đó. Tương tự, nhà kinh tế trưởng Selena Ling của OCBC cũng hạ dự báo xuống khoảng 2,8 đến 3%, so với 3 đến 3,1% trước đó.
Bà Ling giải thích: “Việc dự báo trên dựa vào bối cảnh lạm phát chung và lạm phát cơ bản đến nay vẫn trong tầm kiểm soát, không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông. Điều này đã góp phần đẩy giá năng lượng lên cao hơn”.
Trong tháng 4, lạm phát tại Singapore tăng ở một số hạng mục CPI nhưng lại giảm ở các hạng mục khác. Trong đó, chi phí phương tiện cá nhân tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức giảm 0,3% của tháng trước do giá ô tô giảm chậm và xăng dầu tăng mạnh. Lạm phát nhà ở hạ nhiệt xuống 3,5% nhờ chi phí thuê nhà, bảo trì cùng sửa chữa tăng chậm.
Về lạm phát cơ bản, mức tăng cao nhất thuộc về nhóm điện và khí đốt với 7,6% do giá của hai hạng mục này tăng mạnh. Ngoài ra, lạm phát bán lẻ và hàng hóa khác tăng 1,6% do đẩy giá nước cũng như đồ dùng cá nhân, đồng thời giá quần áo và giày dép giảm chậm.
Ngược lại, lạm phát dịch vụ giảm xuống 3,5% do giá vé máy bay rẻ và chi phí du lịch tăng ở mức khiêm tốn. Đồng thời, lạm phát lương thực giảm xuống 2,8% chủ yếu do giá thực phẩm tươi và dịch vụ ăn uống tăng ít hơn.
“Sự giảm tốc liên tục” của lạm phát lương thực - xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 - là một “tín hiệu khả quan”, theo chuyên gia kinh tế Chua Han Teng của DBS. Ông cho biết thêm: “Áp lực giá nhập khẩu dường như được kiểm soát. Điều này một phần nhờ giá lương thực toàn cầu ổn định, đồng SGD tăng mạnh cũng như chi phí dịch vụ thực phẩm hạ nhiệt”.