Tàu container mang cờ Singapore ONE OLYMPUS tại cảng Pasir Panjang, Singapore, ngày 25/12. Ảnh: CNA |
Theo CNA, Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) ngày 26/12 công bố trọng tải tàu cập cảng hàng năm tại Cảng Singapore đạt mức kỷ lục 3 tỷ GT, tăng từ mức 2,83 tỷ GT vào năm 2022.
GT (gross tonnage) hay tổng dung tích là số đo dung tích của toàn bộ các không gian kín ở trên tàu, bao gồm cả thể tích của ống khói. GT của tàu là cơ sở để tính các phí hàng hải như phí hoa tiêu, phí đăng ký, phí bảo hiểm và để làm cơ sở áp dụng cho các công ước hàng hải khác.
Cảng Singapore đã đạt 1 tỷ GT vào năm 2004 và 2 tỷ GT vào năm 2011.
Quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore Chee Hong Tat cho biết, bước đột phá 3 tỷ GT trong ngành vận tải biển của Singapore là dấu mốc cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh hàng hải toàn cầu rơi vào suy thoái từ năm 2016 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Ngay cả khi thế giới đã thoát khỏi đại dịch, ngành hàng hải tiếp tục phải đối mặt với sự chậm lại trong sản xuất và tiêu dùng, còn lạm phát thì tăng cao. Gần đây hơn, căng thẳng địa chính trị bùng phát tại nhiều khu vực trên thế giới, cùng với sự tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và Israel – Hamas càng làm gia tăng sự bất ổn an ninh và kinh tế.
Đặc biệt, cuộc xung đột Israel - Hamas đã lan sang Biển Đỏ, sau khi phiến quân Houthi ở Yemen bắt đầu nhắm mục tiêu tấn công vào các tàu đi qua Kênh đào Suez bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa. Giải thích cho động thái này, Houthi gọi đây là phản ứng đáp trả của họ đối với cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza.
Trước tình hình bất ổn tại Biển Đỏ và Vịnh Aden, các hãng vận tải biển khổng lồ như Maersk buộc phải định tuyến lại các đội tàu, bằng cách đi vòng quanh châu Phi, qua Mũi Hảo Vọng, dẫn đến thời gian vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển lâu hơn và chi phí vận tải cao hơn.
Bộ trưởng Chee cho biết: “Bộ Giao thông Vận tải và MPA đang theo dõi cẩn thận những diễn biến này và giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác và các bên liên quan, để tìm cách làm việc cùng nhau như thế nào nhằm giảm thiểu sự gián đoạn”.
Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng Singapore đang tiếp tục tập trung vào việc phát triển cảng container thế hệ tiếp theo tại siêu cảng Tuas, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cảng hiện có.
“Như những gì mà chúng tôi đã làm đối với những thách thức trước đây, tôi tin tưởng rằng khả năng kết nối, hiệu quả và độ tin cậy của các cảng Singapore sẽ giúp đất nước đóng vai trò quan trọng là một cảng cập bến, hợp tác chặt chẽ với các hãng tàu lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho luồng hàng hóa vòng quanh thế giới”, ông Chee nhấn mạnh.