Chủ đề "sinh viên nên khởi nghiệp hay đi làm thuê" đang trở thành một chủ đề nổi bật thu hút nhiều người bàn luận. Thực tế, việc khởi nghiệp hay đi làm thuê đều dựa trên những nhu cầu và khả năng của mỗi người.
Tuy nhiên, để trang bị kinh nghiệm trước khi bắt đầu khởi nghiệp hay ứng tuyển vào một doanh nghiệp lớn, sinh viên cần được làm quen với môi trường kinh doanh, nâng cao kiến thức nghiệp vụ thực tiễn, mở rộng kết nối với các doanh nghiệp thông qua việc thực tập tại doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Nhận thức được nhu cầu đó, ngày 3/6, Ban Đối ngoại và Ban Nghiên cứu của VALOMA phối hợp với Khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Ngân hàng) tổ chức talkshow "Cà phê Sinh viên", nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng.
Với chủ đề "Chuyển đổi số và hoạt động của thực tập sinh, lợi thế và bất cập nhìn từ hai phía", talkshow thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp và 400 sinh viên tham dự trực tiếp, trực tuyến. |
Nổi bật tại talkshow là phần chia sẻ về chủ đề mối quan hệ với doanh nghiệp và thực tập sinh của bà Lê Thanh Loan, Thành viên Ban Đối ngoại của VALOMA, Giám đốc Công ty TNHH Gatelink Việt Nam.
Bà Loan cho biết, việc sinh viên thực tập tại doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích lẫn nhau cho cả phía doanh nghiệp và phía sinh viên. Trong đó, sinh viên được hoàn thiện và phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ; Có lợi thế, cơ hội việc làm. Đồng thời, sinh viên cũng có thể định hướng tương lai, mở rộng các mối quan hệ xã hội và tăng thu nhập.
Mặt khác, việc doanh nghiệp tuyển thực tập sinh giúp tăng hiệu suất của doanh nghiệp, tận dụng được những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo từ sinh viên trong thực hiện các dự án mới. Qua tiến trình thực tập, doanh nghiệp sẽ chọn được những người phù hợp, cam kết làm việc lâu dài và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Sinh viên giao lưu cùng diễn giả Lê Thanh Loan, Giám đốc Công ty TNHH Gatelink Việt Nam tại chương trình. |
Tuy nhiên, việc tuyển sinh viên thực tập tại doanh nghiệp cũng gặp không ít bất cập, khó khăn cho cả đôi bên. Trong đó, sinh viên thì chịu áp lực về thời gian, công việc, kinh tế khi vừa phải dành thời gian học ở trường, vừa phải sắp xếp thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả học tập hoặc giảm hiệu suất công việc.
"Thêm vào đó là sự khác biệt giữa môi trường học tập và thực tế làm việc tại doanh nghiệp. Dù vậy, quá trình đào tạo và làm việc thực thực tế tại doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên hiểu được rõ hơn về ngành mà mình theo đuổi, nhanh chóng bắt nhịp, thích ứng được với môi trường mới", Giám đốc Gatelink Việt Nam cho hay.
Cũng bàn về khó khăn ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thanh Loan cho rằng, trong công tác tuyển thực tập sinh, doanh nghiệp phải đầu tư thời gian và chi phí đào tạo không hề nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự sinh viên lại thiếu định hướng và khó gắn bó lâu dài bởi sinh viên có tâm lý lựa chọn, ngập ngừng trong việc gắn bó với doanh nghiệp.
Ngoài ra, yếu tố nhân sự không phù hợp cũng làm khó doanh nghiệp. Có thể lúc đào tạo thì sinh viên đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp đặt ra, nhưng sau vài tháng, sinh viên gặp vài thử thách, mắc sai sót thì họ không đủ kiên nhẫn, quyết tâm và lựa chọn rời bỏ doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp phải trăn trở, đau đầu tìm ra kế sách để làm sao tuyển thực tập sinh mang lại hiệu quả, không bị vướng vào vòng xoáy tuyển dụng, đào tạo và thực tập sinh nghỉ việc... Thực tập sinh là nguồn lao động tương lai nên các doanh nghiệp đều đánh giá cao các thực tập sinh", bà Loan cho biết.
Tuy nhiên, Giám đốc Gatelink Việt Nam cũng nhấn mạnh, sinh viên cần hiểu rằng, mọi sự đầu tư của doanh nghiệp đều là nghiêm túc, nên khi quyết định thực tập, sinh viên cũng cần có thái độ nghiêm túc, cần quan tâm đến 4 yếu tố: kiến thức, thời gian, kinh tế và môi trường, để làm sao mang lại giá trị cho bản thân và doanh nghiệp.