SSI gọi tên 2 cổ phiếu dầu khí hàng đầu về khả năng phục hồi lợi nhuận

Petrolimex DẦU KHÍ
06:30 - 29/01/2023
Petrolimex đang dẫn đầu thị trường phân phối xăng dầu. Ảnh: Petrolimex
Petrolimex đang dẫn đầu thị trường phân phối xăng dầu. Ảnh: Petrolimex
0:00 / 0:00
0:00
SSI cho rằng trong năm 2023, PLX và PVD là những lựa chọn hàng đầu khi xét đến khả năng phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ từ mức đáy của năm 2022.

Trong báo cáo triển vọng ngành dầu khí cập nhật ngày 27/1, Chứng khoán SSI cho biết, theo kết quả sơ bộ, lợi nhuận trước thuế của GAS, BSR và PVT trong cả năm 2022 đều tăng trưởng vượt bậc so với năm 2021, trong khi các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như PLX hay OIL lại sụt giảm do nguồn cung gián đoạn và giá dầu biến động, đặc biệt là trong quý II và quý III năm 2022.

SSI nhận định giá dầu năm 2023 có thể giảm từ mức đỉnh năm 2022, tuy nhiên vẫn sẽ duy trì ở mức cao, với mức dao động trung bình trong khoảng 80 - 90 USD/thùng. Chất xúc tác hỗ trợ giá dầu có thể là việc Trung Quốc mở cửa trở lại cùng với việc giảm tiến độ tăng lãi suất của Fed trong nửa cuối năm tới.

Theo SSI, ngành khoan dầu có thể hưởng lợi từ hoạt động khoan tích cực hơn ở khu vực APAC và Trung Đông, mang đến triển vọng tốt hơn cho giá thuê ngày. Nhu cầu chính đến từ các thị trường quốc tế như Indonesia, Malaysia và Trung Đông.

Diễn biến giá dầu Brent (USD/bbl).

Diễn biến giá dầu Brent (USD/bbl).

Về triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành, SSI cho biết, tác động tích cực của việc giá dầu tăng lên các cổ phiếu thượng nguồn thường có độ trễ so với các cổ phiếu khác. Do đó trong năm 2023, những cổ phiếu thượng nguồn có thể cho thấy diễn biến tích cực.

Ví dụ, PVD có khả năng sẽ bắt đầu có lãi sau khi chịu lỗ vào năm 2022 nhờ giá thuê ngày của giàn khoan tự nâng và hiệu suất sử dụng cao hơn. Những công ty xây lắp như PVS có thể phải chờ thêm một thời gian nữa để các dự án dầu khí lớn trong nước khởi động.

Những mã cổ phiếu tập trung vào trung nguồn như PVT có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ trong năm 2023, nhưng vẫn duy trì triển vọng lợi nhuận ổn định do nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường. Mặt khác, GAS và BSR sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm do giá dầu bình quân giảm mặc dù sản lượng khí bán cho các nhà máy điện có thể vẫn tăng trưởng trong năm 2023.

Những mã cổ phiếu hạ nguồn như PLX cũng có thể có một năm bứt phá mạnh từ mức đáy năm 2022 nhờ chuỗi cung ứng và giá dầu ổn định hơn, tránh được tình trạng lỗ hàng tồn kho trầm trọng như năm 2022.

Về định giá ngành, SSI cho biết xét về P/E, có sự khác biệt trong định giá các cổ phiếu dầu khí trong năm 2022. Các cổ phiếu đạt lợi nhuận cao nhất vào năm 2022 với dự báo lợi nhuận điều chỉnh mạnh trong năm 2023 như BSR đang giao dịch ở mức thấp hơn mức trung bình lịch sử.

Mặt khác, các cổ phiếu chạm đáy lợi nhuận trong năm 2022 (chẳng hạn như PLX, PVD và PVS) đang giao dịch ở mức cao hơn 20-40% so với giá trị lịch sử. Định giá hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mức thấp lịch sử vào tháng 3 năm 2020 hoặc thậm chí là năm 2012.

Còn xét theo P/B, PVD và PLX đang được định giá ở vùng thấp nhất lịch sử, trong khi PVS ở vùng cao lịch sử.

Trên cơ sở triển vọng và định giá, PLX và PVD là những lựa chọn hàng đầu của SSI khi xét đến khả năng phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ vào năm 2023 từ mức đáy vào năm 2022 và triển vọng dài hạn được cải thiện.

PLX (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex) dẫn đầu thị trường phân phối xăng dầu, với thị phần khoảng 45%. Lợi nhuận ròng có thể chạm đáy vào năm 2022 và phục hồi lên 3.000 tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ) trong năm 2023, nhờ giá dầu ổn định và tăng chi phí định mức và premium theo công thức giá bán lẻ xăng dầu. Việc thoái vốn khỏi PGBank (PGB) có thể mang lại khoản lợi nhuận ghi nhận bất thường cho công ty.

Rủi ro là giá dầu trong trường hợp giảm mạnh có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty trong một khoảng thời gian ngắn hạn. Mặt khác, PLX là công ty dẫn đầu thị trường và là doanh nghiệp Nhà nước, có vai trò đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Trong trường hợp thị trường trong nước thiếu hụt nguồn cung, PLX phải tăng tỷ trọng đầu vào từ nguồn nhập khẩu với giá cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của công ty.

PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí), thị trường khoan tiếp tục phục hồi sau khi chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá dầu thấp. Theo IHS Markit, hiệu suất sử dụng của đội giàn khoan tự nâng toàn cầu đã quay trở lại mức 82%, cao nhất kể từ năm 2015, tiếp tục phục hồi từ mức thấp nhất trong năm 2015.

Mặt khác, số lượng giàn khoan đóng mới chỉ ở mức 5% đội tàu hiện tại, khiến việc tăng nguồn cung trong ngắn hạn trở nên khó khăn. Điều này giúp giữ cho giá thuê ngày tăng bền vững và đạt mức 80.000 - 109.000 USD/ngày ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, các hợp đồng ký mới cũng có xu hướng có thời hạn dài hơn (2-3 năm) giúp tăng hiệu suất sử dụng giàn.

Tóm tắt các chỉ tiêu tài chính của PVD.

Tóm tắt các chỉ tiêu tài chính của PVD.

Giá thuê ngày trung bình của PVD có thể tăng nhanh trong năm 2023-2024 đối với các hợp đồng mới. Theo ước tính của SSI, PVD sẽ ký được hợp đồng với mức giá thuê trung bình là 74.000 USD/ngày vào năm 2023 và 90.000 USD/ngày vào năm 2024, tăng lần lượt 18% và 22% so với cùng kỳ. Với các hợp đồng dài hạn hơn (1-2 năm), hiệu suất sử dụng có thể tăng đáng kể từ 85% vào năm 2022 lên 95% vào năm 2023-2024, điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí di chuyển và tăng khả năng sinh lời của các giàn khoan.

Năm 2022, SSI dự báo PVD ghi nhận khoản lỗ trước thuế 136 tỷ đồng, nhưng có thể chuyển sang ghi nhận lãi từ năm 2023 với giá cho thuê ngày cao hơn và hiệu suất sử dụng giàn khoan cao hơn. Công ty chứng khoán ước tính lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2023 và 2024 của PVD lần lượt đạt 373 tỷ đồng và 1.119 tỷ đồng.

Rủi ro với PVD là giá dầu giảm có thể dẫn đến biến động giá cổ phiếu do tính tương quan cao; VND mất giá so với USD có thể khiến công ty phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp