Sự bình tĩnh trên phố Wall đang rạn nứt, nhà đầu tư thấp thỏm chờ tín hiệu chính sách tiền tệ

KINH TẾ THẾ GIỚI
01:33 - 28/11/2021
Có thời điểm trong phiên giao dịch sáng 26/11, Dow Jones mất hơn 1.000 điểm (Nguồn: CNBC)
Có thời điểm trong phiên giao dịch sáng 26/11, Dow Jones mất hơn 1.000 điểm (Nguồn: CNBC)
0:00 / 0:00
0:00
"Không phải bản thân biến chủng virus khiến thị trường sợ hãi, cái khiến thị trường lo ngại là phản ứng chính sách với virus".

“Hãy quên Thứ Sáu Đen đi, phiên giao dịch 26/11 sẽ được nhớ đến như ngày Thứ Sáu Đỏ khi thị trường cổ phiếu toàn cầu ngập tràn sắc đỏ, mọi chỉ số chứng khoán giảm sâu do lo ngại về một biến chủng COVID mới”, trích lời giám đốc đầu tư Russ Mold từ nền tảng đầu tư và môi giới chứng khoán AJ Bell, Vương quốc Anh.

Mối đe dọa về một “biến thể virus tồi tệ nhất từ trước đến nay” đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo, dẫn đến một bức tranh thị trường hỗn loạn tương tự những gì diễn ra vào đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lần đầu bùng phát và lan rộng ra toàn cầu.

Từ thị trường tài sản đến thị trường hàng hóa rung chuyển: sự bình tĩnh trên phố Wall đang rạn nứt

Carl Dooley, người đứng đầu bộ phận giao dịch EMEA tại Cowen Inc. nhận định: “Sẽ là cú sốc lớn khi mọi người thức dậy, đọc tin tức và chứng kiến mức độ biến động của thị trường... Đây có lẽ là phiên hoảng loạn lớn nhất trong năm”.

Trên thị trường tài sản, phố Wall là nơi chứng kiến rõ nhất sức càn quét của biến thể virus mới mang tên Omicron.

Chứng khoán Mỹ trải qua một phiên giao dịch cuối tuần tồi tệ bậc nhất từ đầu năm đến nay với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên tụt 905 điểm xuống 34.899,34 điểm. S&P 500 giảm 2,3% xuống còn 4.594,62 điểm và Nasdaq Composite tụt 2,2% xuống 15.491,66 điểm.

Chỉ số VIX (Volatility Index) của CBOE, tức chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán trong khoảng 30 ngày tới và được mệnh danh là thước đo nỗi sợ hãi của phố Wall đã tăng tới 9 điểm vào sáng 26/11, mức biến động trong ngày lớn nhất kể từ tháng 2/2021. Nhiều nhà phân tích nhận định sự bình tĩnh trên phố Wall cuối cùng đã có dấu hiệu rạn nứt.

Ảnh tác giả

"Không phải bản thân biến chủng virus khiến thị trường sợ hãi, cái khiến thị trường lo ngại là phản ứng chính sách với virus. Nếu các hạn chế di chuyển bị áp đặt trở lại, chúng ta sẽ chứng kiến các tác động dai dẳng trong những tuần và tháng tiếp theo"

Chiến lược gia đầu tư Brian Jacobsen, công ty quản lý tài sản Allspring Global Investments

Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường châu Âu trải qua phiên giao dịch không sáng sủa hơn. Tại Anh, chỉ số FTSE100 bốc hơi 3,6%, thổi bay 72 tỷ bảng Anh (khoảng 96 tỷ USD) khỏi thị trường. Ở Đức, chỉ số DAX giảm hơn 4%. Chỉ số CAC40 của Pháp cũng mất hơn 4% trong phiên. Tại châu Á, các chỉ số từ Hang Seng - Hong Kong (Trung Quốc) cho đến Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) đều rơi vào lãnh thổ tiêu cực.

Trên đa số các thị trường chứng khoán, xu hướng chung là bất cứ cổ phiếu nào liên quan đến du lịch, hàng không và dầu thô tụt dốc không phanh trong khi cổ phiếu các nhà sản xuất vắc xin và nền tảng công nghệ tăng mạnh.

Tiền điện tử cũng lao dốc mạnh mẽ cùng đà giảm của chứng khoán. Nhà phân tích Craig Erlam từ công ty ngoại hối Oanda (Canada) nhận định: “Trong những thời điểm như thế này, chúng ta mới thấy đâu là những tài sản mà nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn đáng tin cậy. Bitcoin đã giảm sốc 8% trong phiên giao dịch qua, điều này vừa giáng một đòn chí mạng vào những quan điểm coi đây là tài sản trú ẩn an toàn, vừa tạo thêm sức ép giảm giá cho cả các đồng tiền điện tử khác”.

Giá bitcoin giảm sâu trong phiên 26/11 (Nguồn: Coinmarket)

Giá bitcoin giảm sâu trong phiên 26/11 (Nguồn: Coinmarket)

Dòng tiền đổ vào các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu kho bạc và vàng. Giá vàng có thời điểm tăng lên 1.818 USD/oz trước khi chốt phiên ở 1.791,8 USD/oz. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đều ghi nhận phiên giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Có 4 lần lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 0.1% trong năm qua, trong đó 2 lần gần nhất đều liên quan đến dịch COVID-19 (Nguồn: Bloomberg)

Có 4 lần lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 0.1% trong năm qua, trong đó 2 lần gần nhất đều liên quan đến dịch COVID-19 (Nguồn: Bloomberg)

Trên thị trường hàng hóa, giá nhiều hàng hóa từ dầu thô đến bông đều giảm sâu do lo ngại triển vọng nhu cầu toàn cầu ảm đạm theo sự xuất hiện của chủng COVID-19 mới.

Hợp đồng tương lai dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ cắm đầu tụt khoảng 13% xuống 68,15 USD/ thùng, mức thấp nhất từ đầu tháng 9. Giá dầu Brent tiêu chuẩn cũng giảm mạnh, chốt phiên giao dịch ở 72,76 USD/ thùng.

Giá dầu cắm đầu lao dốc trong phiên

Giá dầu cắm đầu lao dốc trong phiên

Giá các kim loại công nghiệp bao gồm nhôm, kẽm và niken tại sàn giao dịch hàng hóa London (Anh) đều giảm hơn 3%. Giá kim loại đồng giảm 3,5% xuống 9.460 USD/ tấn, mức giảm mạnh nhất trong 5 tuần. Giá đường, lúa mì, cà phê và ngô cũng giảm. Chỉ số hàng hóa giao ngay của Bloomberg đo lường biến động giá hàng hóa toàn cầu giảm 3,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6.

Alexander Zumpfe, nhà giao dịch cấp cao tại công ty lọc dầu Heraeus Metals Germany GmbH & Co. nhận định: “Biến thể COVID mới và mức độ nguy hiểm chưa rõ của nó đang nhắc nhở thị trường rằng đại dịch chưa kết thúc”.

Biến chủng Omicron có định hình lại lập trường chính sách tiền tệ toàn cầu?

Song song với nỗi hoảng loạn biến thể COVID-19 mới đe dọa đà phục hồi kinh tế, ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại sự xuất hiện của biến thể mới làm phức tạp lập trường chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương trên thế giới.

Dự báo về thời gian các ngân hàng Trung ương bắt đầu trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng đang đảo chiều.

Trên phố Wall, các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng 0,25% lãi suất cơ bản vào tháng 9/2022 thay vì tháng 6/2022 như dự báo trước đó.

Tại Anh, tỷ lệ đặt cược ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất vào tháng 12 tới đã giảm từ 75% xuống 53%.

Tại châu Âu, tỷ lệ dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất 0,1% vào cuối năm 2022 cũng giảm mạnh. Trước đó, ECB dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm gói kích thích COVID-19 1,85 nghìn tỷ Euro (1,08 nghìn tỷ USD) khi gói này hết hạn vào tháng 3 tới. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều chiến lược gia - tiêu biểu như nhà phân tích Peter McCallum từ ngân hàng Mizuho - nhận định có cơ hội ECB kéo dài gói này qua thời hạn tháng 3 khi biến thể virus mới xuất hiện đe dọa kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, thúc đẩy lạm phát tiếp tục tăng và làm chậm đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Từ quan điểm khác, một số chiến lược gia cảnh báo Fed và các ngân hàng Trung ương lớn khó có khả năng từ bỏ lộ trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng một cách nhanh chóng trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay, bởi ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng Trung ương là bảo vệ hệ thống tài chính ổn định chứ không phải hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.

Trước đó, trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tháng 11, Fed đã tuyên bố sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD/ tháng ngay từ tháng này. Mức cắt giảm được ấn định 15 tỷ USD/ tháng, trong đó bao gồm 10 tỷ USD cho chương trình mua trái phiếu chính phủ và 5 tỷ USD cho chương trình mua chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.

Lộ trình cắt giảm quy mô gói mua tài sản của Fed (Nguồn: FOMC)

Lộ trình cắt giảm quy mô gói mua tài sản của Fed (Nguồn: FOMC)

Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, kỳ vọng về chính sách tiền tệ của thị trường chứng khoán và Fed là bất đồng. Việc Fed chọn cách điều chỉnh chính sách tiền tệ từng bước rất chậm với lộ trình thông tin rõ ràng để tránh sự hoảng loạn và cơn giận dữ của thị trường - hay còn gọi là taper tantrum - là chưa đủ. Trong khi các quan chức Fed tiến tới siết quy mô gói mua tài sản như một bước đệm cho chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường không muốn Fed sớm "thắt vòi bơm".

Kịch bản “mini” taper tantrum từng diễn ra vào tháng 12/2018 là một minh chứng cho cơn giận của thị trường khi Fed tăng lãi suất trái với kỳ vọng nhà đầu tư. Sau cuộc họp quyết định tăng lãi suất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) khi đó, chỉ số S&P 500 đã bốc hơi tổng cộng 8%, buộc Fed nhượng bộ và tạm dừng quá trình tăng lãi suất vào cuộc họp FOMC ngay sau đó.

Tình huống hiện tại không khác nhiều kịch bản tháng 12/2018, ngoại trừ phương thức thực hiện: Fed không thắt chặt lãi suất mà tiến tới giảm quy mô gói mua tài sản.

Phản ứng tiếp theo của thị trường cũng như lập trường chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch COVID-19 và mức độ đe dọa của biến chủng mới Omicron với nền kinh tế.

Tuần tới, tâm điểm thị trường sẽ là phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện về các gói kích thích kinh tế cũng như tín hiệu chính sách tài khóa - tiền tệ.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cũng sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về việc thu hẹp mức cắt giảm sản lượng dầu. Sự xuất hiện của biến thể COVID mới được cho là có thể khiến OPEC+ tạm dừng việc đưa thêm dầu vào thị trường do lo ngại nhu cầu sụp đổ. Trước đó, Mỹ có kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược nhằm bình ổn giá dầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.