Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án. |
Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (TAND) sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến có nêu quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Theo đó, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, Viện Kiểm sát thu thập; tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp để giải quyết, xét xử.
Nội dung này nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu trong phiên thảo luận chiều 22/11.
Từ phía ủng hộ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) đánh giá, việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật, các quy định về tố tụng hiện hành; phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Chính, tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình chung đã làm thay việc cho đương sự khiến họ trông chờ vào toà án, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã đề cao vai trò các bên đương sự trong việc chứng minh sự việc. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự vẫn đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ. Như vậy theo dự thảo Luật, đương sự còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với luật hiện hành.
Tuy nhiên đại biểu cũng nhìn nhận, theo luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, có một số trường hợp khi tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan Nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan Nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn Hà Nội. |
Cũng ủng hộ quy định trên, đại biểu Mai Khanh (Đoàn Ninh Bình) nêu thực tế, khi các đương sự gửi đơn đến toà án, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào toà án. Chính vì vậy đã nảy sinh ra một số hệ lụy như tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán; khiến cho cá nhân và tổ chức "quên" nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Các cơ quan, đơn vị lấy lý do khi toà án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân.
Đại biểu nhấn mạnh, hiện nay là thời điểm phù hợp và cần thiết để thay đổi vấn đề này. Nếu tiếp tục quy định như hiện nay thì việc phấn đấu hướng đến nền tư pháp văn minh, phục vụ người dân sẽ dồn lên toà án mà bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ trong việc cung cấp cho người dân.
SỬA LUẬT LÀ ĐỂ THUẬN LỢI HƠN CHO NGƯỜI DÂN
Ở phía chưa đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) cho biết, người dân không có hiểu biết sâu, do vậy cần thiết quy định tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.
Ông Nghĩa phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật, trong đó toà và thẩm phán chủ trì việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ. Hơn nữa, tên gọi toà án nhân dân (TAND) có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên như vậy; điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu "khoán" cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho người yếu thế.
Đại biểu cho rằng, tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ, còn mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi cho mình. Đến tòa là tìm đến công lý để ra phán quyết công bằng cho các bên.
“Sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án”, đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP HCM) cũng cho rằng quy định toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thứ nhất là do điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam chưa cho phép điều này. Thứ hai, trình độ dân trí, ý thức pháp luật và hiểu biết pháp luật, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế. Thứ ba, cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân.
Thứ tư, việc để người dân tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân là một thách thức khi không đủ điều kiện, năng lực, cơ chế yêu cầu cơ quan Nhà nước.
Tòa án là cơ quan quyền lực mà thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống hồ giao cho người dân. Hiện chúng ta chưa có cơ chế để người dân tự thu thập chứng cứ.
Đại biểu nêu thêm, theo quy định, tòa án đã thu thập chứng cứ từ Pháp lệnh giải quyết các thủ tục dân sự từ năm 1989, đến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đây là quy định rất nhân văn và đã đi vào thực tiễn. Thẩm phán đã giúp cho người dân thu thập chứng cứ với khả năng và năng lực của mình.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) đề nghị thay thế cụm từ “tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” bằng cụm từ “tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ theo quy định”.
Đại biểu lý giải, trên thực tiễn trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu tòa án không hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Đại biểu cũng đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể và có chế tài hơn đối với các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ mà các đương sự yêu cầu sao chụp nhưng từ chối cung cấp.