Hội thảo “Khu kinh tế Thái Bình – Vệ tinh kinh tế đang lên tại miền Bắc Việt Nam" tổ chức tại TP Zurich, Thụy Sĩ |
Sự kiện do Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ (SVBG) phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Phòng thương mại Thụy Sĩ – Á châu (SACC) tổ chức cuối tuần qua.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, Thụy Sĩ đặc biệt mạnh về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản thực phẩm, năng lượng tái tạo và dịch vụ du lịch. Đây cũng là những lĩnh vực mà tỉnh Thái Bình đang tìm kiếm đầu tư, hợp tác để phát triển, tạo dựng nền tảng kinh tế - xã hội vững mạnh.
Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long cùng đại diện gần 30 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong các ngành y dược, năng lượng, cơ khí chế tạo, dệt nhuộm, hậu cần và ngân hàng tại Thụy Sĩ và châu Âu tham dự hội thảo. Ảnh: SVBG |
Thụy Sĩ hiện đứng thứ 22 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước này đã đạt được những thành công lớn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thương, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ nhấn mạnh: "Việt Nam đang trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sĩ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện này là cơ hội giúp các đối tác Thụy Sĩ và châu Âu hiểu rõ hơn về Thái Bình, mở ra những cơ hội hợp tác và thu hút nhiều nhà đầu tư từ Thụy Sĩ đến với Thái Bình trong thời gian tới".
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: SVBG |
Ông Nicolas Panzer, phụ trách quan hệ trong lĩnh vực công nghệ y khoa (MedTech) từ Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu và Đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ Thụy Sĩ (Switzerland Global Enterprise) bày tỏ sự quan tâm đến dự án Khu công nghiệp Dược - Sinh học (Biopharma Park) của Công ty Newtechco và muốn tìm hiểu các quy định của Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối dược phẩm và thiết bị y tế.
Đây là dự án khu công nghiệp dược – sinh học đầu tiên tại Việt Nam do Công ty Cổ phần Tập đoàn Newtechco Group đầu tư có quy mô 300 ha, vốn đầu tư 150 - 200 triệu USD, tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Ông Marco Ruocco, phụ trách bán hàng tại Thụy Sĩ của Tập đoàn hậu cần vận tải DSV Air & Sea (đã mở 2 văn phòng ở Việt Nam) nhận định, vị trí địa lý của Thái Bình rất có ý nghĩa đối với hoạt động của công ty ông. Vì vậy, ông Marco Ruocco mong muốn địa phương phát triển được hệ thống hạ tầng kinh tế như trong quy hoạch chiến lược của tỉnh và trở thành một mắt xích trong bản đồ hoạt động của DSV.
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn thiết bị đường sắt Stadler Rail cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu về dự án đường sắt mà Chính phủ Việt Nam dự kiến xây dựng đi qua địa bàn tỉnh Thái Bình.
Các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng thể hiện sự lưu tâm tới sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ông Jonas Franceschina, Giám đốc mua hàng của Công ty cung ứng thiết bị và giải pháp năng lượng mặt trời 3S Swiss Solar Solutions muốn tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo được triển khai tại Thái Bình.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình giải đáp các vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư tại Hội thảo. Ảnh: SVBG |
Lạc quan về tương lai của Việt Nam và triển vọng của Thái Bình, ông Roger Leitner, Giám đốc điều hành, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam của SACC, người đã và đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chia sẻ: “Tôi đã tìm thấy ở Việt Nam nhiều cơ hội cho các công ty Thụy Sĩ. Và Thái Bình, với tư cách là một vệ tinh kinh tế đang lên, có thể mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà đầu tư. Tương lai còn tươi sáng hơn khi Việt Nam có những chính sách hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài như hiện nay.”
Đại diện Ban tổ chức, Chủ tịch sáng lập SVBG, bà Nguyễn Thị Thục cho biết: ”Trong cho quá trình làm việc với chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, tôi nhận thấy sự khao khát và hoài bão đưa địa phương từ một tỉnh thuần nông trở thành một thành phố hiện đại, công nghiệp hóa và thịnh vượng trong mỗi người dân của tỉnh. Tôi tin rằng Thái Bình sẽ vươn lên nhanh và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Âu.”
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển miền Bắc Việt Nam với diện tích 1.545 km2, dân số 2 triệu người. Năm 2023, xuất khẩu của Thái Bình sang thị trường Thụy Sĩ đạt 1,2 triệu USD, chiếm 0,05% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may.
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình luôn đứng ở hàng top của Việt Nam, năm 2023 đạt 7,37%; thu hút vốn đầu tư đạt 98.256,6 tỷ đồng (4,1 tỉ USD), gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đầu tư nước ngoài FDI gần cán mốc 3 tỷ USD và xếp thứ 5 toàn quốc về thu hút FDI.
Tổng vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2023 đạt 104.000 tỉ đồng (4,4 tỉ USD), trong đó vốn FDI đạt 3,74 tỉ USD, cao gấp 4,45 lần tổng vốn FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước, đưa Thái Bình xếp thứ 15 và 16 trong cả nước về thu hút vốn FDI năm 2021 và 2022. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, thu hút của tỉnh FDI đạt 78,3 triệu USD.
Về xuất khẩu, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 2,6 tỉ USD, tăng 6,0%; nhập khẩu ước đạt 1,8 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng hóa khác, giấy và các sản phẩm từ giấy, xơ, sợi dệt các loại... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước EU.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thái Bình, địa phương đang vươn lên mạnh mẽ và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong các tỉnh phía Bắc Việt Nam là nhờ 3 yếu tố: Thái Bình có Khu kinh tế Thái Bình, là địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Diện tích đất phát triển công nghiệp lớn (8.020 ha), đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của nhà đầu tư.
Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với TP Hải Phòng, thuộc tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông quốc gia, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 50km, cách sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) khoảng 140km...
Thái Bình còn có nguồn nhân lực dồi dào, với trên 1 triệu người đang trong độ tuổi lao động và có tay nghề cao. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương uôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu, triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhà đầu tư chỉ cần cung cấp tài liệu, số liệu, các cơ quan của tỉnh sẽ hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Nhờ những tiềm năng và lợi thế như vậy, Khu kinh tế Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp lớn của các nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm như KCN Green i-Park của Liên Hà Thái, KCN VSIP Thái Bình của liên doanh Việt Nam–Singapore VSIP, KCN Tiền Hải của tập đoàn Viglacera, KCN Hải Long của Bảo Minh...
”Chúng tôi tin tưởng rằng qua hội thảo này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sĩ sẽ đến tìm hiểu và quyết định hợp tác, đầu tư tại Thái Bình”, ông Hưng kì vọng.