Thái Lan chuẩn bị đón lễ té nước Songkran trở lại sau 3 năm đại dịch

Songkran THÁI LAN
17:14 - 04/04/2023
Tại Thái Lan, người dân đón năm mới bằng lễ hội Songkran, hay còn được gọi là lễ hội té nước, một lễ hội Phật giáo với cái tên xuất phát từ một từ tiếng Phạn là sankranti mang ý nghĩa “sự dịch chuyển của mặt trời từ phía này sang phía kia của Hoàng đạo”.

Theo bài luận "Songkran của Thái Lan - từ truyền thống đến xã hội hiện đại" của PSG.TS Ngô Văn Doanh, nguồn gốc của tết Songkran và sự ra đời của các trinh nữ Songkran đã được mô tả trong một bài thuyết giảng của đạo Phật mang tên “bài thuyết giảng về Maha Songkran”.

Huyền thoại về lễ hội này cùng các lễ thức liên quan đã đến Thái Lan qua ảnh hưởng của người Miến vào thời trị vì của vua Anuruddha hồi thế kỷ XI. Từ thời điểm đó, lễ hội năm mới bắt đầu được tổ chức ở Nhà nước Lan Na (miền Bắc Thái Lan) và dần dần lan đến các vùng khác của Thái Lan.

Do đó, tết Songkran đã được người Thái ở Thái Lan tiếp nhận từ sớm nhất là đầu thế kỷ XI. Không như các lễ hội truyền thống khác tính theo lịch mặt trăng (âm lịch), lễ hội Songkran dựa trên cơ sở vận hành của mặt trời (dương lịch). Là một lễ hội lớn và mang ý nghĩa quan trọng, tết năm mới Songkran thường rơi vào tháng 4 dương lịch.

Voi cũng tham gia vào tết Songkran tại Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE

Voi cũng tham gia vào tết Songkran tại Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE

Theo truyền thống trước đây đã được thừa nhận và ghi chép ở tỉnh Chiang Mai, nơi có thủ phủ của Nhà nước Lan Na xưa, lễ hội năm mới kéo dài liên tục trong 6 ngày chính thức. Ngày thứ nhất được gọi là Wan Sangkhan Luang, ngày nàng Sangkhan (tức Songkran theo cách gọi của miền Bắc Thái Lan) ghé qua. Ngày thứ 2 là Wan Nao - ngày tống tiễn mọi thứ ô uế của năm cũ và chuẩn bị mọi thứ cho ngày đầu tiên của năm mới.

Trong khi đó, ngày thứ 3 là Wan Phya Wan, ngày mà mọi người bày tỏ sự tôn kính và dâng đồ vật cho tổ tiên, cha mẹ, ông bà hay những người lớn tuổi. 3 ngày cuối cùng bao gồm Wan Pak Pi, Wan Pak và Wan Pak Wan.

Hiện nay ở Thái Lan, tết Songkran được ấn định vào ngày 13/4 và những sự việc chính của tết diễn ra trong 3 ngày bao gồm Wan Sangkhan luang (ngày 13/4), Wan Nao (ngày 14/4) và Wan Phya Wan (ngày 15/4).

Người dân Thái Lan tham gia vào lễ hội té nước bằng súng nước. Ảnh: Time Pile

Người dân Thái Lan tham gia vào lễ hội té nước bằng súng nước. Ảnh: Time Pile

Để chuẩn bị đón năm mới, người dân Thái Lan sẽ thực hiện nhiều hoạt động và phong tục khác nhau. Theo SCMP, lễ Songkran là thời gian mọi người làm vệ sinh nhà cửa và những địa điểm công cộng bao gồm cả văn phòng và trường học. Đây cũng là dịp để người dân thực hiện các hành động tốt như làm công đức hay phóng sinh cho chim và cá.

Đây cũng là cơ hội để các gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức những bữa ăn được chuẩn bị đặc biệt và là thời gian để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Tại các gia đình, các thành viên trẻ sẽ đổ nước hoa hồng và hoa nhài lên tay và chân của người lớn tuổi như một hành động thể hiện lòng biết ơn và sự tận tâm.

Mọi người cũng thường thức dậy sớm và đến thăm các ngôi chùa để cầu nguyện cũng như tặng các nhà sư thức ăn, y phục và đồ cúng dường. Những người đi chùa nhẹ nhàng nhỏ nước xuống lưng các nhà sư để thể hiện sự tôn trọng, sau đó vị sư trưởng sẽ chúc phúc cho những người tập trung.

Ngày Wan Payawan, ngày cuối cùng của lễ hội Songkran, còn được biết tới là ngày Tắm Phật. Ngoài ra theo truyền thống, mọi người cũng đổ những bát nước nhỏ lên gia đình và bạn bè để tượng trưng cho quá trình tẩy rửa. Tuy nhiên về sau, nó đã phát triển thành trò té nước nổi tiếng và là một chủ đề xuyên suốt lễ hội.

Một người thực hiện nghi thức tắm Phật tại đền Wat Mahabut tại Bangkok. Ảnh: AFP

Một người thực hiện nghi thức tắm Phật tại đền Wat Mahabut tại Bangkok. Ảnh: AFP

Lễ hội té nước là một sự kiện đầy phấn khích khi mọi người cố gắng khiến càng nhiều người bị ướt càng tốt bằng súng nước và xô nước. Tuy nhiên, bầu không khí đặc biệt sôi động tại thủ đô Bangkok, nơi đã từng ghi nhận Kỷ lục Guinness Thế giới về cuộc chiến súng nước lớn nhất thế giới năm 2011 với 3.477 người tham gia trong 10 phút.

Năm 2023 này sẽ là năm đầu tiên lễ hội Songkran quay trở lại sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Năm ngoái, Thái Lan cho phép tổ chức một số lễ kỷ niệm nhưng cấm té nước trên đường phố trong dịp lễ hội.

Theo Reuters trích dẫn dữ liệu từ Đại học Phòng Thương mại Thái Lan ngày 4/4, chi tiêu của người tiêu dùng quốc gia này trong dịp năm mới có thể tăng 17% lên ngưỡng 3.65 tỷ USD – mức cao nhất trong 4 năm qua. Hiệu trưởng Thanavath Phonvichai của trường cho biết con số này thể hiện đại dịch Covid-19 đã được giải quyết tại quốc gia này. Ông nhận định lễ Songkran năm nay sẽ rất nhộn nhịp do nhu cầu bị dồn nén và trong bối cảnh nền kinh tế và ngành du lịch đang phục hồi.

Hành động đổ nước tượng trưng cho việc rửa sạch những điều xui xẻo tích tụ trong năm trước. Ảnh: Shutterstock

Hành động đổ nước tượng trưng cho việc rửa sạch những điều xui xẻo tích tụ trong năm trước. Ảnh: Shutterstock

Đọc tiếp