ThaiBev muốn đa dạng hóa doanh thu bằng cách tăng đầu tư vào ngành nhà hàng cũng như trạm sạc xe điện. Ảnh: John Le Fevre |
Theo Nikkei Asia, ThaiBev đang gấp rút củng cố các mảng kinh doanh ngoài lĩnh vực đồ uống có cồn do cơ cấu thu nhập hiện tại của tập đoàn khó có thể đem lại tăng trưởng bền vững trong tương lai. Trong bối cảnh đó, tập đoàn cho biết mình sẽ đẩy mạnh đầu tư vào nhà hàng cũng như tham gia lĩnh vực trạm sạc xe điện.
Phát biểu tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 9, CEO ThaiBev Thapana Sirivadhanabhakdi cho biết tập đoàn không thể bỏ qua tiềm năng của các thị trường ngoài đồ uống có cồn nếu vẫn muốn duy trì vị thế đầu ngành tại Đông Nam Á và cả châu Á.
Do đó, ThaiBev công bố kế hoạch đầu tư tới 227,2 triệu USD trong năm 2023 vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, mảng thực phẩm sẽ nhận được như khoảng 31,2 triệu USD, mảng đồ uống không cồn sẽ nhận được 8,5 triệu USD cho tới 11,3 triệu USD, trong khi mảng rượu chưng cất sẽ nhận được 17 triệu USD cho tới 22,7 triệu USD. Phần còn lại sẽ được sử dụng cho các lĩnh vực như hậu cần hay nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y tế.
Về kế hoạch cho tương lai, tập đoàn dự kiến sẽ mở thêm 70 nhà hàng mới vào cuối năm 2023 và tăng 10% so với 700 nhà hàng mà tập đoàn hiện đang điều hành. Trong số mới mở thêm, chuỗi đồ ăn nhanh KFC dự kiến sẽ chiếm một nửa để đáp ứng nhu cầu giao hàng tận nhà gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Trên hết, tập đoàn cũng công bố kế hoạch đầu tư vào các trạm sạc xe điện tại Thái Lan. Riêng trong năm 2022 này, các trạm sạc sẽ được thử nghiệm tại 2 cửa hàng KFC. Nếu thành công, ThaiBev sẽ bắt đầu triển khai trạm sạc xe điện tại toàn bộ các cửa hàng hiện có cũng như tại các trung tâm thương mại nơi có đặt các cửa hàng của tập đoàn bắt đầu từ năm 2023.
ThaiBev mua lại Sabeco hồi tháng 12/2017 với mức giá gần 5 tỷ USD. Ảnh: Sputnik |
Các động thái đa dạng hóa doanh thu của ThaiBev khởi nguồn từ việc đồ uống có cồn chiếm tới 90% tổng doanh thu của tập đoàn. Tuy nhiên, xu hướng của người tiêu dùng lại đang tập trung vào giữ gìn sức khỏe nhiều hơn. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn và bền vững của thị trường này do đó không được đánh giá cao.
Thêm vào đó hồi tháng 11/2022, chính phủ Thái Lan bãi bỏ các hạn chế tối thiểu về vốn và năng lực sản xuất cần thiết để thành lập một nhà máy bia. Một khi bia thủ công trở nên phổ biến hơn vì các rào cản gia nhập đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được hạ thấp, ThaiBev và các nhà sản xuất cùng nhau thống trị thị trường nội đại như Singha Boon Rawd Brewery có thể sẽ mất vị thế của mình.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng mờ mịt của Sabeco cũng là một yếu tố mang tính quyết định. Trước đó vào năm 2017, ThaiBev đã mua lại nhà sản xuất bia hàng đầu Việt Nam Sabeco với khoản đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD. Trong năm 2020, doanh thu của Sabeco sụt giảm tới 42% so với 2019.
Tuy nhiên nhờ kiểm soát chi phí chặt chẽ nên lợi nhuận chỉ sụt giảm gần 7%. Sang năm 2021, Sabeco mới thực sự “ngấm đòn” Covid-19 khi doanh thu thuần chỉ giảm 6% so với 2020 nhưng lợi nhuận lại giảm tới 20%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty từ năm 2015. Ban lãnh đạo Sabeco cho biết dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh phía Nam vốn là địa bàn tiêu thụ bia trọng điểm của Sabeco vào năm 2021 khiến doanh nghiệp đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, việc chính phủ Việt Nam thắt chặt quy định và hình phạt đối với hành vi lái xe khi say rượu từ tháng 1/2020 cũng góp phần khiến nhiều người hạn chế sử dụng bia rượu khi ở ngoài hơn.
Mặt khác, cấu trúc công ty phức tạp của Sabeco cũng ảnh hưởng khá nhiều tới việc tái cơ cấu. Ngay sau khi ThaiBev mua lại Sabeco, xung đột về quyền quản lý đã xảy ra. Trong một buổi họp báo, CEO Sabeco và cựu đại diện ThaiBev Neo Gim Siong Bennett từng thừa nhận việc tái cơ cấu doanh nghiệp chưa được hoàn thành.
Các điều kiện thị trường còn gây ra nhiều thách thức với ThaiBev tới mức tập đoàn đã nhiều lần phải hoãn các kế hoạch IPO công ty con BeerCo - nhà phân phối của các thương hiệu lớn như Chang và 333 - trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore kể từ tháng 2/2021.