Nhóm bất động sản và xây dựng với nhiều mã nhỏ tăng trần. |
VN-Index kết phiên ở mốc 960,65 điểm, tương ứng giảm 8,6 điểm so với kết phiên cuối tuần trước. Ngược lại, HNX-Index vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 1,5 điểm, UPCoM cũng tăng 0,49 điểm. Thanh khoản lại giảm sút mạnh với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn chỉ đạt gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng khối ngoại đã chiếm hơn 2.100 tỷ đồng. Họ mua ròng nhẹ 29 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng mạnh nhất với hơn 63 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là VPB với 55 tỷ đồng, tiếp sau là HPG 52 tỷ đồng, VNM 40 tỷ đồng, MBB, MSN, POW, NLG, EIB… Ngược lại, DGC bị bán ròng mạnh nhất với 151 tỷ đồng, trong khi mã đứng thứ 2 là DXG bị bán ròng 50 tỷ đồng. Danh sách bị nhà đầu tư nước ngoài “xả” hôm nay còn có STB, VHM, VRE, DIG…
Dòng tiền rút khỏi nhóm vốn hóa lớn nên chỉ số VN30 giảm hơn 14 điểm. Ngoài 2 cái tên quen thuộc trong trạng thái nằm sàn là NVL và PDR thì đa số các mã còn lại cũng kết phiên trong sắc đỏ. Giảm mạnh có VRE -4,7%, MWG -3,6%; nhiều mã giảm hơn 2% như ACB, CTG, FPT, GAS, STB, TCB, VIC, VHM, VCB…
Ngược lại, GVR duy trì tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp. KDH, POW, PLX, SAB, VNM, VIB cũng ở chiều tăng.
Toàn thị trường có 124 mã tăng trần, 434 mã tăng giá trong khi chiều giảm chỉ có 260 mã. Sự bứt phá đến từ nhóm penny bất động sản với hàng loạt các mã tăng hết biên độ như TCH, NLG, DIG, HUT, CEO, CII, DXS, DPG, QCG, LDG, HQG… Từ phiên thứ Sáu tuần trước, các mã này đã cho dấu hiệu phục hồi mạnh sau thời gian bị chiết khấu 70-80%.
Trong nhóm này, LDG của Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG Investment) có giao dịch đột phá với 8,8 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên. Trước phiên hôm nay, LDG đã tăng 3 phiên liên tiếp, sau khi giảm về mức đáy 3.650 đồng, thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Trong bối cảnh giá giảm 85% từ đỉnh, Chủ tịch HĐQT LDG Nguyễn Khánh Hưng đã bị bán giải chấp gần 10 triệu cổ phiếu. Hiện tại, ông Hưng còn nắm giữ gần 17,4 triệu cổ phiếu LDG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,23%.
Mới đây, LDG có thông báo ngày 8/12 sẽ chốt quyền cổ tức 7% bằng cổ phiếu. Công ty dự kiến phát hành thêm 16,76 triệu cổ phiếu để thực hiện quyền cổ đông. Nguồn vốn được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Đây là phương án trả cổ tức năm 2019 mà nhiều lần LDG đã trì hoãn.
Bên cạnh nhóm bất động sản, nhóm chứng khoán cũng chứng kiến nhiều mã nhỏ tăng trần. Đó là APG, APS, PHS, PSI, SBS. DSC, VIX, VIG đều tăng mạnh.
Xét về nhóm ngành thì nông nghiệp dẫn đầu chiều tăng với sự dẫn dắt của HAG của Hoàng Anh Gia Lai, tăng hết biên độ phiên thứ 4 liên tiếp sau khi Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) có tâm thư về đợt giảm sâu kéo dài. Theo nhận định của bầu Đức trong tâm thư, cổ phiếu HAG nhiều phiên giảm điểm trong khi hoạt động kinh doanh của HAG đang diễn ra rất tốt, thậm chí tăng trưởng gấp nhiều lần cùng kỳ các năm trước.
Theo ông, việc thị giá giảm mạnh xảy ra với hầu hết các mã cổ phiếu trên thị trường. Có thể thấy nguyên nhân do thị trường khủng hoảng, mất niềm tin. “Tình hình hoạt động kinh doanh thực tế đã chứng minh sự tăng trưởng của công ty”, Chủ tịch HAG khẳng định.