Thị trường trái phiếu ảnh hưởng đến lợi tức tài sản tại TPBank nửa cuối năm

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:32 - 17/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia VNDirect nhận định, việc Chính phủ giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu đã phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng có tỷ trọng về trái phiếu doanh nghiệp lớn như TPBank.

Báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank - TPB) của Chứng khoán VNDirect cho biết, triển vọng tại ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ gặp phải một số trở ngại.

Theo đó, việc Chính phủ định hướng quản lý dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu đã phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn như TPBank (lần lượt chiếm 18,4% và 13,4% tổng tín dụng).

Cuối quý II/2022, tăng trưởng tín dụng của TPBank là 9,1% so với đầu năm, trong đó trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại chỉ còn 25% so với đầu năm do việc trả nợ trước hạn.

Về biên lãi thuần (NIM), trong 6 tháng đầu năm, NIM tại TPBank đã giảm còn 4,2% so với cùng kỳ 2021. Trong đó lợi tức tài sản cũng giảm còn 7,5% do lãi vay giảm để hỗ trợ các khách hàng sau đại dịch và đặc biệt là ảnh hưởng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2022.

Chuyên gia cho rằng, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tác động tiêu cực đến lợi tức tài sản và NIM của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động tăng do lạm phát cũng là một rủi ro cần xem xét dù TPB có khả năng duy trì NIM không giảm quá mạnh nhờ hệ số LDR thấp (chỉ 55% cuối quý II). Do đó, VNDirect ước tính NIM của ngân hàng trong năm 2022 sẽ giảm so với cùng kỳ, xuống mức 4,1%.

Về danh mục cho vay liên ngân hàng, TPBank là một trong số những nhà băng hoạt động mạnh mẽ trên thị trường cho vay liên ngân hàng (chiếm 14,4% tổng tài sản sinh lời của ngân hàng so với mức 18% vào cuối năm 2021). Tuy nhiên, cho vay liên ngân hàng tại TPBank đã giảm 16,4% so với đầu năm và sẽ tiếp tục là bên vay ròng trên thị trường liên ngân hàng.

Theo VNDirect, việc là bên vay ròng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến TPBank trong nửa cuối năm 2022 khi lãi suất liên ngân hàng tăng. Các chuyên gia nhấn mạnh, lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam sẽ không ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trong nửa cuối năm 2022 trở đi trước áp lực lãi suất điều hành toàn cầu và lạm phát tăng cao.

Cuối quý II, tăng trưởng cho vay tại TPBank là 7% so với đầu năm, phản ánh đà tăng trưởng chậm lại do rủi ro lạm phát và giám sát thị trường vốn đã hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các ngân hàng, kể cả TPBank.

Vì vậy ngân hàng đã có mục tiêu cố gắng đẩy mạnh phân khúc "sinh lợi tốt hơn" như cho vay cá nhân. Thực tế, dư nợ cho vay cá nhân của TPB đã tăng 17% so với cùng kỳ lên 89.223 tỷ đồng (chiếm 51% cơ cấu tín dụng so với 48% vào cuối năm 2021), trong khi cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 0,3% so với đầu năm (25,7% cơ cấu tín dụng).

VNDirect kết luận, thay đổi trong cấu trúc tài sản sinh lời sẽ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của TPBank. Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp và liên ngân hàng của TPBank đã tăng lên trong những năm gần đây.

Do đó, những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi suất tài sản và cả NIM của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022, mặc dù TPBank có lợi thế mở rộng cho vay cá nhân để giảm thiểu rủi ro này, theo quan điểm của các chuyên gia.

Dự phóng kinh doanh giai đoạn 2022-2023

VNDirect cho rằng, với những khó khăn đang diễn ra, TPBank sẽ khó có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay của mình, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022. "Chúng tôi ước tính rằng sau khi tăng trưởng tín dụng 9,1% so với đầu năm trong 6 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của TPBank sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và đạt 14% trong năm 2022 và 18% năm 2023," chuyên gia nhận định.

Về NIM năm 2022 của nhà băng sẽ ở mức 4,1%, thấp hơn 23 điểm cơ bản so với năm 2021 (dự báo trước đó là -30 điểm cơ bản). Bên cạnh đó, các chuyên gia kỳ vọng thu nhập từ phí sẽ tăng 20% và 10% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-2023, chủ yếu là nhờ phí dịch vụ và bảo hiểm.

Về chi phí tín dụng, VNDirect điều chỉnh tỷ lệ giai đoạn 2022-2023 lên 1,9% và 1,5%. Phí dự phòng sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 và 7,8% năm 2023. Điều này kéo theo lợi nhuận ròng của TPBank sẽ tăng trưởng 22% vào năm 2022 với 5.913 tỷ đồng và 24% năm 2023 là 7.377 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 ngày 16/8, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc tại TPBank chỉ ra ba yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước phải siết room năm nay là: "Tăng trưởng tín dụng năm nay quá nhanh dẫn đến việc room cạn kiệt và Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt về mặt room tín dụng. Bình quân trong các tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ khoảng 10% trong định hướng cả ngành ngân hàng về tăng trưởng tín dụng là 14% với năm nay. Như vậy sẽ còn khoảng 4% nữa Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ vào cuối năm, cho nên trước sau gì cũng sẽ được phân bổ tiếp".

Một kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp đó là trái phiếu doanh nghiệp nhưng sau một số các sự cố trong nửa đầu năm nay thì kênh đó hiện nay đang "đình đốn" và bây giờ tất cả mọi nguồn vốn dồn hết vào kênh tín dụng.

Một yếu tố nữa là việc lãi suất, vấn đề giá cả tăng lên, lạm phát do chi phí đẩy do các chi phí tăng lên trong nền kinh tế. Như vậy cũng gây một áp lực rất lớn là kiểm soát lạm phát dưới 4%. Do vậy bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát dòng vốn tín dụng rất thận trọng, ông Hưng cho biết.

.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.