Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tàn phá nhiều quốc gia, bao gồm cả Fiji, nơi bị bão tấn công vào năm 2016. Ảnh: OCHA |
Theo "Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu", hiện tượng này được định nghĩa là "sự nóng lên toàn cầu rõ ràng hoặc ngầm, chủ yếu do hành vi của con người làm biến dạng các đặc điểm của khí quyển”. Biến đổi khí hậu được thể hiện thông qua những thay đổi lâu dài và bền vững về xu hướng khí hậu và thời tiết ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của con người.
Tuy tồn tại qua nhiều thế hệ, biến đối khí hậu chỉ thực sự nhận được sự chú ý của dư luận từ những năm 1980. Kể từ đó, nhiều nhà vận động môi trường, các nhà khoa học cũng như các chính phủ đã bày tỏ mối quan ngại về tác động của biến đổi khí hậu đối với các thể chế địa lý, xã hội và kinh tế của con người.
Trong bối cảnh ngày càng cấp bách, các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng ký kết Thỏa thuận Paris vào năm 2015 với mục tiêu giữ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C. Vào thời điểm quan trọng khi nhận thức và sự hỗ trợ của công chúng liên quan tới biến đổi khí hậu cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, truyền thông với tư cách là một công cụ truyền tải thông tin tới người đọc, giám sát và vận động các vấn đề xã hội đang mang trên vai một trách nhiệm lớn.
Tuy nhiên, truyền thông cũng có thể trở thành một rào cản và thậm chí gây ra tác dụng ngược đối với việc nâng cao nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu nếu không được tận dụng hiệu quả và đúng cách.
Truyền thông có thể cản trở nâng cao nhận thức về khí hậu
Bất chấp sự cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu, phạm vi phủ sóng của các thông tin liên quan tới vấn đề này trên các phương tiện truyền thông là không cao. Báo cáo năm 2021 của Hội đồng Chuyên gia liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho thấy số lượng các bài đăng trên các phương tiện truyền thông toàn cầu trong khoảng thời gian 2020 – 2021 liên quan tới khí hậu chỉ đạt khoảng 87.000 bài.
Tại các quốc gia phát triển, các chỉ số cũng không tích cực hơn. Theo Media Matters trong một báo cáo năm 2022, chỉ 1,3% các nội dung được đưa tin trên các kênh truyền hình lớn tại Mỹ là về biến đổi khí hậu. Trong khi đó theo báo cáo Bản đồ Ý kiến về Khí hậu của Đại học Yale công bố ngày 13/12/2023, có tới 66% người dân Mỹ được khảo sát cho biết họ chỉ nghe về hiện tượng nóng lên toàn cầu trên các phương tiện truyền thông mỗi tháng một lần hoặc ít hơn.
Ngoài phạm vi phủ sóng không cao, cách biến đổi khí hậu được đưa tin cũng đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc tiếp cận thông tin của công chúng. Các câu chuyện khí hậu chiếm ưu thế trên truyền thông hiện chủ yếu tập trung vào các cảnh báo về ngày tận thế, các tác động thảm khốc và các kịch bản diệt vong.
Một nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change năm 2021 bởi Wang và các cộng sự về hơn 100.000 bài báo khí hậu cho thấy ngôn ngữ quá kịch tích làm giảm hy vọng và niềm tin của người đọc về khả năng giải quyết biến đổi khí hậu hiệu quả.
Nghiên cứu bởi Science Communication Lab cho thấy việc tiếp xúc với những tin tức về khí hậu dựa trên nỗi sợ hãi khiến mọi người trở nên bi quan hơn, ít có động lực hành động hơn và có nhiều khả năng coi những rủi ro khí hậu đã bị phóng đại quá mức. Trong khi đó, nghiên cứu của Climate Outreach cho thấy cảnh báo về ngày tận thế khiến người đọc cảm thấy ít được trao quyền hơn hoặc ít phải chịu trách nhiệm cá nhân hơn.
Tin tức sai lệch về biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề nghiêm trọng cần, đặc biệt trong bối cảnh Internet và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội khiến thông tin lan tỏa nhanh và dễ dàng tới nhiều người thuộc nhiều cộng đồng khác nhau.
Theo một cuộc khảo sát do Reuters Institute thực hiện vào năm 2023 về cách người dân từ 8 quốc gia – Brazil, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Anh và Mỹ – tiếp cận tin tức và thông tin về biến đổi khí hậu, trung bình 25% số người được khảo sát cho rằng họ thường xuyên gặp phải thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm trên mạng về biến đổi khí hậu.
Bất chấp việc là một vấn nạn trong nhiều năm, thông tin sai lệch chỉ mới thu hút được sự chú ý ở mức độ cao trong vài năm qua. Trong báo cáo năm 2022, IPCC lần đầu tiên nhấn mạnh vào tác động vấn nạn này lên việc thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu. Cụ thể, báo cáo kết luận với “sự tin cậy cao độ” rằng “những thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu cũng như các thông tin với mục đích cố ý hạ thấp vai trò của khoa học đã góp phần gây ra những hiểu lầm về sự đồng thuận khoa học, sự không chắc chắn, coi thường rủi ro và tính cấp bách cũng như bất đồng chính kiến”.
Cũng trong cùng năm 2022, thông tin sai lệch lần đầu nổi lên như một ưu tiên rõ ràng ở cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc, phản ánh trong lời kêu gọi hành động chống lại “thông tin sai lệch về khí hậu tràn lan trên mạng” cũng như việc công bố “lộ trình nhằm ngăn chặn mục tiêu phát thải ròng bằng 0 bị phá hoại bởi những tuyên bố sai sự thật”. Nó cũng là trọng tâm chính của bản tóm tắt chính sách về tính toàn vẹn thông tin trên nền tảng kỹ thuật số công bố hồi tháng 6/2023 của cơ quan này.
Tuy nhiên, thông tin sai lệch về khí hậu chưa bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự tại các Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP) hoặc được đề cập trong bất kỳ kết quả nào của COP bất chấp sự vận động có tổ chức của các nhà hoạt động khí hậu.
Điện mặt trời tại Việt Nam. Ảnh: VGP |
Hướng đi cho truyền thông trong việc thúc đẩy nhận thức về vấn đề khí hậu
Một trong những điều cần thay đổi đầu tiên trong việc miêu tả câu chuyện khí hậu trên các phương tiện truyền thông chính là giảm thiểu các góc nhìn quá tiêu cực và kịch tính về viễn cảnh "ngày tận thế" không thể tránh. Thay vào đó, các chuyên gia kêu gọi đưa tin mang tính xây dựng hơn, cung cấp các ví dụ tích cực và các câu chuyện mang tính giải thích. Điều này sẽ thúc đẩy sự tham gia rộng rãi hơn bằng cách mang lại cho công chúng cảm giác về quyền tự quyết và ý thức trách nhiệm cá nhân thay vì ép buộc.
Việc đưa ra các cảnh báo rõ ràng vẫn sẽ được thực hiện, tuy nhiên nên cần bằng chứng với những phương pháp khả thi để giải quyết vấn đề và tiến về phía trước. Vai trò của truyền thông lúc này không chỉ là nêu bật trở ngại mà còn hướng dẫn công chúng hướng tới một tương lai với những khả năng mới.
Việc xây dựng các cơ chế và nền tảng giúp chống lại việc lan truyền thông tin sai lệch cũng là một công tác cần được chú trọng. Trước tiên, người tiếp cận thông tin cần tích lũy kỹ năng thông hiểu truyền thông, hay nói cách khác là khả năng truy cập, phân tích, đánh giá, tạo dựng và sử dụng mọi loại phương tiện truyền thông và thông tin trên các nền tảng đó.
Về phần báo chí, cách đưa tin đầy đủ thông tin, khách quan và trách nhiệm có thể giúp những giải pháp và hoạt động mà mọi người tại nhiều địa phương đang thực hiện để chuẩn bị cho biến đổi khí hậu trở nên phổ biến. Ở cấp độ quốc tế, báo chí cũng có thể đưa những câu chuyện khu vực đến với khán giả toàn cầu và giúp khuyến khích các quốc gia giàu có, công dân của họ và các công ty có trụ sở tại đó hành động đoàn kết với các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi khí hậu.
Báo chí cũng có thể tạo nền tảng cho những tiếng nói thường bị bỏ qua. Bằng cách tạo điều kiện cho các nhà khoa học về khí hậu, các cộng đồng dễ bị tổn thương, các nhà vận động và chuyên gia chính sách, các phương tiện truyền thông sẽ giúp phổ biến thông tin đáng tin cậy cũng như ứng phó với thông tin sai lệch.